Các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ nhắm đến Rosneft Trading SA, một đơn vị trực thuộc tập đoàn dầu mỏ lớn nhất nước Nga, và Phó chủ tịch Rosneft Didier Casimiro, theo AFP.
"Với vai trò trung gian chủ lực cho các thỏa thuận mua bán và vận chuyển toàn cầu dầu thô từ Venezuela, Rosneft Trading đã củng cố chính quyền của ông Maduro", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 18/2 cảnh báo những ai ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro đều phải chịu trách nhiệm cho tình trạng ở Venezuela.
Chính phủ Nga chỉ trích Mỹ nỗ lực "bẻ cong thế giới theo ý chí của riêng mình". Moscow đồng thời lên án "tham vọng tầm thường" của Washington nhằm "tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Mỹ vốn không thể đấu lại cạnh tranh công bằng từ các công ty Nga trên trường quốc tế".
"Chính sách trừng phạt mang tính phá hoại của Mỹ đang khiến tự do thương mại toàn cầu ngày một suy yếu dù người Mỹ nói họ bảo vệ điều này, đồng thời gia tăng căng thẳng quốc tế", thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Rosneft Trading SA, thuộc tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Nga, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động mua bán và vận chuyển dầu thô Venezuela trên toàn cầu. Ảnh: Rosneft. |
Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ "vi phạm các quyền tự do giao thương và tự do kinh doanh".
Trong khi đó, Elliott Abrams, đặc phái viên Mỹ trong vấn đề Venezuela, hy vọng lệnh trừng phạt sẽ giúp cắt giảm nguồn thu lớn nhất của chính quyền Tổng thống Maduro. Ông thông báo Washington sẽ có thêm nhiều bước đi mới để gia tăng áp lực lên Venezuela trong những tháng tới.
"Các lệnh trừng phạt hôm nay là bước kế tiếp trong chính sách tạo áp lực lên chính quyền Maduro để Venezuela thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ hiện nay thông qua bầu cử tổng thống tự do và công bằng", Abrams trả lời báo giới cùng ngày.
Ông cho biết Rosneft hỗ trợ mua bán và vận chuyển gần 70% dầu thô từ Venezuela. Những nước nhập khẩu lớn nhất dầu từ Venezuela là Ấn Độ và Trung Quốc. Abrams tự tin thị trường dầu toàn cầu vẫn ổn định sau lệnh trừng phạt nhờ sản xuất dầu mỏ của Mỹ đang tăng.