Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ giám sát tiền tệ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản

Việt Nam là một trong 12 nền kinh tế nằm trong danh sách giám sát tiền tệ theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ. Danh sách này bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã ban hành Báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn, trong đó tiếp tục xem xét các đối tác thương mại chính trên cơ sở 3 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều kéo dài.

Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa 12 nền kinh tế vào danh sách giám sát tiền tệ, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Mexico, Việt Nam và Đài Loan. Bên cạnh đó, Thụy Sĩ là nền kinh tế duy nhất đáp ứng cả 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra và tiếp tục thực hiện tiếp xúc nâng cao với Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ.

Trong khi đó, Việt Nam và Đài Loan do không còn đáp ứng cả 3 tiêu chí, nên Bộ Tài chính Mỹ đã đưa trở lại danh sách giám sát này.

Cũng tại báo cáo, nền kinh tế số 1 thế giới kết luận không có đối tác lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ trong năm 2021.

Theo NHNN, trong năm 2021, Việt Nam đáp ứng tiêu chí được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra là thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ ở mức 90 tỷ USD (ngưỡng 15 tỷ USD).

Từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính nước này đã tiến hành tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Mỹ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá.

Bo Tai chinh My dua Viet Nam tro lai danh sach giam sat tien te anh 1

Việt Nam là một trong 12 nền kinh tế nằm trong danh sách giám sát tiền tệ mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ. Ảnh: Nam Khánh.

Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục ghi nhận những bước tiến của Việt Nam. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài chính Mỹ với Việt Nam ngày 5/4 vừa qua, cơ quan này đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN, thể hiện sự nghiêm túc của cơ quan quản lý trong việc giải quyết các quan ngại của phía Mỹ và duy trì được ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, xây dựng quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ từng đưa Việt Nam cùng 11 nền kinh tế khác vào danh sách có dấu hiệu thao túng tiền tệ dựa trên quy định của Đạo luật thuận lợi hóa và thực thi thương mại năm 2015.

Trong đó, Bộ Tài chính Mỹ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng 3 tiêu chí gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định không có đủ bằng chứng để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ như đã nêu trong báo cáo trước đó.

'Khả năng Việt Nam bị Mỹ đánh thuế trừng phạt là thấp'

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định ít nhất một tháng sau khi Tổng thống tân cử Joe Biden nhậm chức, chính phủ Mỹ mới có định hướng rõ ràng về cáo buộc Việt Nam "thao túng tiền tệ".

Mỹ chưa có động thái gì về cáo buộc 'Việt Nam thao túng tiền tệ'

Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính sách tiền tệ của Việt Nam "làm tổn thương doanh nghiệp Mỹ", nhưng không đưa ra biện pháp trừng phạt.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm