Hôm 6/1, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vụ điều tra thao túng tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam.
"Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định các bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với đối tác Mỹ, giải quyết một cách toàn diện những quan tâm của Mỹ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi", thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.
Tại hội thảo "Việt Nam không thao túng tiền tệ" ngày 7/1, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, khẳng định ngoại giao là giải pháp rất cần thiết để Việt Nam đối phó với cáo buộc từ phía Mỹ.
Ông Tuấn cho biết thặng dư thương mại, cán cân tài khoản vãng lai hay dự trữ ngoại hối của Việt Nam đều "không cho thấy dấu hiệu đáng kể hay có sự gia tăng về thao túng tiền tệ". Vị chuyên gia cũng đưa ra những chiến thuật ngắn hạn và chiến lược dài hạn để Việt Nam tránh những cáo buộc tương tự trong tương lai.
Việt Nam bị phía Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ vì vi phạm cả ba tiêu chí về thặng dư thương mại song phương, thặng dư tài khoản vãng lai và mua ròng ngoại tệ. |
Làm rõ cáo buộc từ phía Mỹ
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, trước hết, Việt Nam cần hợp tác để làm rõ căn cứ cáo buộc của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và Bộ Tài chính Mỹ.
Bộ tiêu chí của Mỹ nhằm đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ bao gồm thăng dự thương mại song phương với Mỹ (ít nhất 20 tỷ USD trong khoảng thời gian 12 tháng), thặng dư tài khoản vãng lai hữu hình (ít nhất 2% GDP trong thời gian 12 tháng), can thiệp trên thị trường ngoại hối một chiều và bền bỉ (ít nhất 6/12 tháng và các hoạt động mua ròng này đạt tổng ít nhất 2% GDP trong khoảng thời gian 12 tháng).
"Đầu tiên, cần xem xét bối cảnh nền kinh tế Mỹ. Cán cân tài khoản vãng lai của Mỹ thâm hụt triền miên từ năm 2012 đến nay", ông Tuấn nhận xét. Chính sách cắt giảm thuế mạnh và trạng thái toàn dụng lao động ở Mỹ năm 2017 cũng giúp tăng cầu, góp phần vào thâm hụt thương mại đang gia tăng.
"Câu hỏi đặt ra là nâng giá đồng tiền Việt Nam có giúp cải thiện thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam hay không? Thương mại là tự do hay có thế lực thị trường? Nếu không nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, Mỹ cũng sẽ nhập khẩu ở các nước khác", ông Tuấn bình luận.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Ảnh: Fulbright. |
Thêm vào đó, đồng USD tăng giá trong năm 2019 nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất từ mức gần 0 trước năm 2016 lên hơn 2% vào cuối năm 2019. "Nghịch lý nằm ở chỗ chừng nào thế giới vẫn coi đồng USD là đồng tiền thanh toán toàn cầu và dự trữ chính, nhu cầu với đồng bạc xanh sẽ luôn tăng lên về dài hạn. Đồng USD có thể giảm giá, nhưng chỉ là ngắn hạn", vị chuyên gia nhận xét.
Quay lại câu chuyện của Việt Nam, Việt Nam đón làn sóng chuyển dịch sản xuất toàn cầu (quần áo, giày dép, điện tử) do sức ép gia tăng chi phí lao động ở Trung Quốc và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Đến năm 2012, Việt Nam vẫn thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, Việt Nam đã đạt thặng dư và thăng dự ngày càng lớn. "Nhưng cán cân thương mại dịch vụ của Việt Nam vẫn thâm hụt. Riêng trong năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành du lịch khiến thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ của Việt Nam lên đến 12 tỷ USD", ông Tuấn nhấn mạnh.
Thặng dư thương mại, cán cân tài khoản vãng lai hay dự trữ ngoại hối của Việt Nam đều không cho thấy dấu hiệu đáng kể hay có sự gia tăng về thao túng tiền tệ
- Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn
Hầu hết doanh nghiệp vận tải, bảo hiểm Việt Nam không đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp dịch vụ quốc tế. Việt Nam cũng không hưởng lợi trọn vẹn từ thặng dư thương mại hàng hóa. Nguyên nhân là giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu của khối FDI thường rất thấp.
Ông Tuấn cho rằng cần làm rõ liệu thặng dư thương mại của Việt Nam có phải do tỷ giá hay không. Về mặt danh nghĩa, đồng tiền Việt Nam mất giá so với đồng USD. Tuy nhiên, theo dữ liệu về lạm phát từ năm 2000 đến năm 2019, hầu như nào năm lạm phát của Việt Nam cũng cao hơn Mỹ.
"Như vậy, nếu tích lũy lạm phát hàng thập niên qua, đáng lẽ đồng tiền của Việt Nam phải mất giá nhiều hơn so với Mỹ. Nếu tính chênh lệch lạm phát và lãi suất, đồng Việt Nam thực chất còn bị định giá cao", ông Tuấn khẳng định.
Cải thiện năng lực thống kê
Ngoài ra, báo cáo Bộ Tài chính Mỹ trích dẫn báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng chỉ trích dẫn những phần giúp củng cố cho cáo buộc. Đánh giá gần nhất của IMF chỉ ra rằng đồng tiền Việt Nam bị định giá thấp hơn 8,4% so với tỷ giá thực cơ sở năm 2018. "Nhưng mấu chốt là việc chọn thời gian cơ sở khác nhau cũng dẫn đến các kết luận khác nhau", ông Tuấn nói thêm.
"Về ngắn hạn, Việt Nam nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ IMF, dùng chiến lược bình luận công chúng, điều hành tỷ giá linh hoạt hơn theo tín hiệu thị trường, can thiệp song chiều cả mua và bán ngoại tệ linh hoạt, tăng dự trữ ngoại hối bắt buộc dựa theo khuyến cáo của IMF", ông Tuấn nói thêm.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tích cực chống gian lận thương mại và chuyển tải, đồng thời kiểm soát lỗi và sai trên cán cân thanh toán quốc tế.
Ông Tuấn nhận định lỗi và sai trên cán cân thanh toán quốc tế rất lớn, chủ yếu do vấn đề năng lực thống kê. Trên thực tế, thặng dư cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam với Mỹ không nhiều như các con số thống kê. Bởi một số khoản (chẳng hạn nhập lậu) là không thể thống kê được.
Việt Nam đón làn sóng chuyển dịch sản xuất do sức ép gia tăng chi phí lao động ở Trung Quốc và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thêm vào đó, nhiều hàng hóa Mỹ được phân bố ở các quốc gia khác rồi mới nhập khẩu về Việt Nam. Như vậy, khó có thể thống kê số hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ doanh nghiệp Mỹ ở bên ngoài nước Mỹ.
"Do đó, về dài hạn, Việt Nam cần cải thiện chất lượng dữ liệu tài chính và xây dựng khuôn khổ chính sách tiền tệ hiện đại", ông Tuấn khẳng định.
Thu hút đầu tư từ Mỹ
Các chiến lược dài hạn cũng bao gồm kiểm soát lạm phát, giảm phụ thuộc vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng, sử dụng những công cụ giám sát ngân hàng theo chuẩn mực Basel, tăng cường khả năng chống chịu bằng các khuôn khổ chính sách mạnh mẽ hơn.
Cùng với đó là tăng sức cạnh tranh của khu vực nội địa, cải cách cơ cấu và năng suất, mở cửa thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại kỹ thuật số và thanh toán điện tử.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam nên khuyến khích đầu tư từ Mỹ. Đến nay, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam còn khiêm tốn. Mỹ chỉ đứng thứ 7 về số dự án đầu tư và thứ 11 đối với lượng vốn tích lũy. "Nếu Mỹ tăng cường đầu tư tại Việt Nam, số hàng hóa nhập khẩu, chẳng hạn máy móc, từ Mỹ về Việt Nam sẽ gia tăng, giúp cán cân thương mại hài hòa, bền vững hơn", ông Tuấn giải thích.
"Thực hiện cam kết cải cách theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng là một giải pháp dài hạn", ông Tuấn nói thêm.
Theo ông Tuấn, Việt Nam và Mỹ vẫn chưa có một hiệp định thương mại tự do song phương với các ưu đãi và cam kết. "Chính quyền ông Trump dường như không thích những hiệp định song phương như TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nay là CPTPP), mà thích các hiệp định song phương hơn. Đó có thể là một hướng đi mà Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc", ông Tuấn nhận định.
"Mỹ sẽ không có khả năng áp thuế đại trà, nhưng một số mặt hàng có thể bị ảnh hưởng. Ngoại giao vẫn là một giải pháp rất quan trọng trong bối cảnh này. Chúng ta cũng đặt kỳ vọng vào chính quyền mới của Mỹ thân thiện hơn", ông Tuấn kết luận.