Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mỹ chủ quan khi gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ

Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ là hành động mang tính chủ quan và không dựa trên cơ sở nào về kinh tế học.

My gan mac Viet Nam thao tung tien te anh 1

Ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là hai quốc gia thao túng tiền tệ cùng với 10 quốc gia thuộc diện theo dõi. Phía Mỹ cáo buộc Việt Nam đáp ứng cả 3 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và mua ròng ngoại tệ.

Chia sẻ trong báo cáo đánh giá mới đây, tiến sĩ Cấn Văn Lực cùng nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng việc cơ quan tài khóa Mỹ gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ là hành động mang tính chủ quan và chưa xét đến đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam cũng như khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (WB, IMF).

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nhanh với độ mở cao và cần phải có các công cụ (phù hợp thông lệ quốc tế) cho phát triển bền vững, an toàn, để có khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.

Không có cơ sở trong kinh tế học

Trong đó, việc điều hành tỷ giá những năm qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chứ không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại.

Từ năm 2016, NHNN đã thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá theo biến động của rổ tiền tệ các nước có quan hệ kinh tế lớn với Việt Nam. Điều này cùng với chính sách tài khóa thận trọng đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định suốt giai đoạn 2016-2020.

Theo tính toán, trái với nhận định của Bộ Tài chính Mỹ, thực tế trong 3 năm 2017-2019, giá trị thực của VND mới tăng khoảng 2,6%. Như vậy, cán cân thương mại Việt - Mỹ có thể bị tác động tiêu cực do đồng VND tăng giá so với USD trong 3 năm 2017-2019 chứ không hẳn là tạo lợi thế xuất khẩu.

“Việc Bộ Tài chính Mỹ khẳng định đồng VND bị định giá thấp có tạo ra lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam cần phải được xem xét kỹ lưỡng và chính xác hơn”, nhóm chuyên gia cho biết.

Trong khi đó, thặng dư thương mại song phương và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của rất nhiều yếu tố liên quan tới đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. VND giảm giá không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu do đặc thù cơ cấu nền kinh tế trong nước.

THẶNG DỰ THƯƠNG MẠI GIỮA VIỆT NAM VÀ MỸ
Nguồn: Nsfc.gov
Nhãn 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019
Thặng dư tỷ USD 10.47 12.4 14.84 18.61 22.35 25.67 29.75 32.24 34.77 55.8

Cụ thể, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhiều nhưng cũng nhập khẩu nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động xuất nhập khẩu hiện do khối doanh nghiệp FDI chi phối (70% kim ngạch xuất khẩu, 59% kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2017-2019).

Với việc NHNN mua ròng ngoại tệ, tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng đây là động thái nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ hơn là tạo lợi thế thương mại. Việc mua vào vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô vừa gia tăng dự trữ ngoại hối (vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực) để tăng cường an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Theo IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối 2019 mới tương đương 3,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với các nước như Singapore (5 tháng); Philippines, Hàn Quốc (8 tháng); Thái Lan (9 tháng) hay Trung Quốc (14 tháng).

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng cáo buộc từ Bộ Tài chính Mỹ với Việt Nam là chưa thỏa đáng và không phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Thậm chí, Bộ Tài chính Mỹ đã có những sai sót khi đưa ra các tiêu chí để xác định một nền kinh tế là thao túng tiền tệ.

Cụ thể, các quốc gia cần có nhu cầu hợp pháp về dự trữ ngoại hối vừa phải để chống chịu với các cú sốc bất ngờ. Trong số 2 quốc gia bị gắn mác thao túng tiền tệ và 10 quốc gia bị đưa vào danh sách theo dõi, tất cả đều vượt tiêu chí dự trữ ngoại hối với biên độ rộng, trừ Việt Nam.

Việc sử dụng tiêu chí có thặng dư cán cân thương mại song phương với Mỹ như là tiêu chí chính để xác định là không có cơ sở trong kinh tế học, đặc biệt trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, các nền kinh tế tham gia sâu và đa dạng trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Vì vậy, sẽ hợp lý hơn khi chỉ xem xét việc thao túng tiền tệ đối với các quốc gia có thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình cao, trong khi Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Phía sau mác thao túng tiền tệ

Còn theo tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cấp cao Đại học Bristol (Vương Quốc Anh), việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ không phải vấn đề mới mà đã được cảnh báo từ năm 2019.

Về mặt bản chất, đây là hệ quả của việc Việt Nam nhận nhiều vốn đầu tư nước ngoài (và cán cân thanh toán nói chung cải thiện cả kiều hối, xuất khẩu) trước đó, khi kinh tế đang tăng trưởng tốt và mặt bằng lãi suất cao.

"Điều này đặt chính sách tỷ giá vào thế lưỡng nan. Nếu để USD mất giá nhiều so với VND thì sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu và bỏ lỡ cơ hội mua thêm dự trữ ngoại hối. Nhưng mua thêm USD có thể lại lọt vào danh sách thao túng tiền tệ”, ông Tuấn nói.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn cho rằng bộ tiêu chí của Mỹ sử dụng để đánh giá một nền kinh tế có thao túng tiền tệ hay không lại có phần áp đặt.

My gan mac Viet Nam thao tung tien te anh 2

Hành động gắn nhãn thao túng tiền tệ với Việt Nam của Bộ Tài chính Mỹ không mang tính chất quan hệ tiền tệ thuần túy. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo đó, 3 tiêu chí được Mỹ đưa ra là thặng dư thương mại hơn 20 tỷ USD trong vòng 12 tháng; thặng dư tài khoản vãng lai hơn 2% GDP trong vòng 12 tháng; Chính phủ can thiệp thường xuyên vào thị trường ngoại hối, trong đó 6 tháng có lượng mua vào ngoại tệ ròng (trong 12 tháng đánh giá) và lượng mua ròng chiếm từ 2% GDP trở lên.

“Đây là những tiêu chí có tính chủ quan và có phần ép các nước thiên về xuất khẩu như Việt Nam. Hầu hết nước và lãnh thổ có hoạt động xuất khẩu mạnh như Trung Quốc, Đức, Đài Loan, Thái Lan chắc chắn sẽ vi phạm 2 tiêu chí đầu tiên. Chỉ có tiêu chí thứ 3 có thể tránh khỏi nếu can thiệp một cách giới hạn và không thường xuyên vào thị trường ngoại hối’, ông Tuấn bình luận.

Theo đó, với bộ tiêu chí có tính áp đặt, Mỹ thật ra đã gom toàn bộ đối tác thương mại lớn vào một danh sách theo dõi và những nước trong danh sách này có thể bị gắn nhãn thao túng tiền tệ bất kỳ lúc nào.

Nếu một quốc gia không bị gắn nhãn thao túng tiền tệ cũng sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh)

Năm 2019 trước đó, Trung Quốc từng bị gắn nhãn thao túng tiền tệ nhưng đã được đưa ra khỏi danh sách vào đầu năm 2020 khi Trung - Mỹ thương lượng ký kết một hiệp định thương mại mới.

Điều này cho thấy lựa chọn gắn nhãn thao túng tiền tệ của Mỹ với bất kỳ quốc gia nào không thuần túy là một quyết định khách quan hay dựa trên kết quả khoa học, mà dựa trên đánh giá chủ quan cũng như những thương lượng chính trị.

“Vì vậy, tính may rủi của sự kiện này nằm trong chính vị thế của Việt Nam. Nếu đủ mạnh, vị thế đủ lớn, có thể mang lại cho Mỹ nhiều thứ, Mỹ sẽ không ngại gỡ bỏ định danh thao túng tiền tệ với Việt Nam", ông nói.

Giải pháp tiếp theo là gì?

Về giải pháp ứng phó, tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn cho biết mô hình kinh tế dựa vào dòng vốn ngoại như của Việt Nam hiện nay đều có mặt trái, nhưng không thể không thu hút và Việt Nam đang cần vốn. Việc Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ cũng đồng nghĩa với thâm hụt thương mại từ nhiều đối tác khác như Trung Quốc, nên Việt Nam vẫn cần tăng sức cạnh tranh.

Theo đó, hạn chế VND lên giá quá mạnh là điều cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, không nên phá giá có chủ đích mạnh VND vì như vậy sẽ dễ bị đối tác thương mại đáp trả và có thể tạo ra bất ổn vĩ mô không cần thiết. Vì vậy, Việt Nam nên cố gắng bảo vệ vai trò ổn định vĩ mô của NHNN và không “trói tay” NHNN quá mức nếu cần mua vào ngoại tệ.

Mặt khác, không riêng Việt Nam, nhiều nước cũng đang bị Mỹ ép với lối ngoại giao trừng phạt thương mại và đang ít nhiều không vừa lòng với bộ tiêu chí mà nước này định danh thao túng tiền tệ. Vì vậy, các nước này có thể liên kết buộc Mỹ xem xét lại bộ tiêu chí của mình.

Nước Mỹ thời ông Biden có lẽ sẽ không phải là một cường quốc đi gây chiến thương mại khắp nơi. Họ cần củng cố những mối quan hệ chiến lược. Vì vậy, cần cho Mỹ thấy không nên làm mất lòng số đông, nhất là trong đó có những nước lợi ích chiến lược.

DỰ TRỮ NGOẠI HỐI VIỆT NAM
Nguồn: NHNN
Nhãn 31/12/2016 21/7/2017 12/10/2017 29/12/2017 12/1/2018 22/5/2018 1/4/2019 30/6/2019 1/10/2019 30/12/2019 Tháng 8/2020
Dự trữ ngoại hối tỷ USD 39 42 45 52 54.5 64 65 68 71 80 92

“Chỉ có Việt Nam tự lớn mạnh và biết cách liên kết với nhiều nước khác thì mới không bị Mỹ trừng phạt riêng lẻ nữa”, ông Tuấn nhấn mạnh. Trong khi đó, tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đề xuất một số giải pháp ứng phó.

Theo họ, các cơ quan chức năng cần thận trọng, phối hợp, chủ động trao đổi thông tin với phía Mỹ trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ cân bằng cán cân thương mại với Mỹ do vấn đề cốt lõi mà nước này quan tâm là giảm thâm hụt thương mại với các nước. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ, đặc biệt là nông sản, sản phẩm năng lượng, vận tải, máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị y tế…

Ngoài ra, các cơ quan chức năng, địa phương cần nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý các hành vi đội lốt thương mại, đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt - Mỹ và các Hiệp định FTA khác cũng như hành vi trốn thuế; đẩy nhanh tiến độ, giải quyết hiệu quả các vấn đề phía Mỹ quan tâm; và chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra để giảm thiểu tác động tiêu cực cũng như duy trì mối quan hệ kinh tế thương mại ổn định với Mỹ.

Ngày 22/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Về cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ, Thủ tướng khẳng định Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí giao các bộ, ngành Việt Nam và Mỹ tiếp tục hợp tác, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Mỹ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.

Sai lầm đằng sau cáo buộc 'thao túng tiền tệ' của Mỹ với Việt Nam

Giáo sư Jason Furman - nhà kinh tế nổi tiếng nước Mỹ - nhận định việc Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam "thao túng tiền tệ" là một sai lầm.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm