Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Khả năng Việt Nam bị Mỹ đánh thuế trừng phạt là thấp'

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định ít nhất một tháng sau khi Tổng thống tân cử Joe Biden nhậm chức, chính phủ Mỹ mới có định hướng rõ ràng về cáo buộc Việt Nam "thao túng tiền tệ".

Trong thông báo ngày 15/1 cùng với báo cáo về việc điều tra đối với các hành vi, chính sách và hành động của Việt Nam liên quan vấn đề định giá tiền tệ, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết các hành động và chính sách phá giá tiền tệ "làm tổn thương doanh nghiệp và người lao động Mỹ, và cần được xử lý".

Kết luận được nêu trong báo cáo của USTR hoàn toàn không đề cập, hoặc đề xuất việc Chính phủ Mỹ áp dụng thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong thời điểm này nhưng sẽ tiếp tục “đánh giá mọi lựa chọn sẵn có”.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer tuyên bố “hy vọng Mỹ và Việt Nam có thể tìm ra định hướng để giải quyết các mối quan ngại của chúng tôi”.

Chờ đợi động thái của chính phủ Mỹ mới

Trao đổi với Zing chiều 16/1, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa, chính phủ Mỹ sẽ thay đổi, các quyết định của nhiều cơ quan trong chính phủ Mỹ có thể bị dừng lại.

Tân tổng thống Mỹ được dự báo có thể đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Do đó, những quyết định quan trọng của chính phủ Mỹ sẽ bị hoãn lại cho đến khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức tổng thống. Tiến sĩ Hiếu cho rằng ít nhất một tháng sau khi ông Biden nhậm chức mới có thể biết định hướng của Mỹ về việc này.

Chuyên gia tài chính này cũng dự báo khả năng Mỹ trừng phạt Việt Nam bằng các biện pháp áp thuế lên hàng xuất khẩu 25% như với Trung Quốc là thấp.

Viet Nam anh 1

USTR thông báo chưa đưa ra biện pháp nào liên quan việc gắn mác Việt Nam "thao túng tiền tệ".

Tiến sĩ Hiếu phân tích dưới Tổng thống Trump, việc gắn mác thao túng tiền tệ các nước là công cụ để trừng phạt những quốc gia ông Trump cho rằng đang lạm dụng Mỹ đúng với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”. Ông Hiếu đánh giá “Việt Nam có lẽ bị vạ lây”.

Bộ tiêu chí của Mỹ nhằm đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ bao gồm thăng dư thương mại song phương với Mỹ (ít nhất 20 tỷ USD trong khoảng thời gian 12 tháng), thặng dư tài khoản vãng lai hữu hình (ít nhất 2% GDP trong thời gian 12 tháng), can thiệp trên thị trường ngoại hối một chiều và bền bỉ (ít nhất 6/12 tháng và các hoạt động mua ròng này đạt tổng ít nhất 2% GDP trong khoảng thời gian 12 tháng). Mỹ tuyên bố Việt Nam có cả 3 tiêu chí này.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán của Việt Nam là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Tiến sĩ Hiếu dự đoán chính phủ mới của Mỹ có thể chưa tháo mác “thao túng tiền tệ” với Việt Nam ngay và sẽ sử dụng yếu tố này để thương thuyết Việt Nam mua nhiều hàng hóa Mỹ hơn, có những chính sách về đầu tư, thương mại tốt hơn với phía Mỹ. Nhìn chung, ông cho rằng vấn đề “thao túng tiền tệ” sắp tới sẽ không nghiêm trọng như dưới thời ông Trump.

"Nỗ lực của cả hai phía mang lại kết quả tích cực"

Sau khi phía USTR ra thông báo, Bộ Công Thương đánh giá “điều này cho thấy những nỗ lực, cố gắng của tất cả các cấp từ lãnh đạo Chính phủ đến các bộ, ngành, cơ quan, các hiệp hội và doanh nghiệp của cả Việt Nam và Mỹ đã mang lại kết quả tích cực”.

Với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA), đồng thời là cơ quan được Thủ tướng giao nhiệm vụ đầu mối các hoạt động trao đổi với phía Mỹ để xử lý vụ việc này, Bộ Công Thương cho rằng quyết định không đưa ra các biện pháp trừng phạt của USTR có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ thương mại song phương, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Bộ Công Thương khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, coi đây là trụ cột quan trọng, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ tổng thể quan hệ song phương hai nước.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực mở cửa thị trường, tăng cường hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hội đồng TIFA, thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên nhằm đạt được những kết quả thực chất, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Mỹ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.

Bộ Công Thương trong vai trò đồng Chủ tịch Hội đồng TIFA cùng các bộ, ngành của Việt Nam mong muốn và sẵn sàng trao đổi với các cấp lãnh đạo của USTR và các cơ quan liên quan, kể cả cấp bộ trưởng hay cấp kỹ thuật, dưới mọi hình thức, để giải quyết các quan ngại và tạo tiến bộ cụ thể những vẫn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trên tinh thần hợp tác, thiện chí và xây dựng để hai bên có thể chính thức khép lại các cuộc điều tra.

Phó chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant cũng tuyên bố cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hoan nghênh thông tin chính quyền Tổng thống Trump sẽ không áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Brilliant cũng tái khẳng định “hành động trừng phạt thương mại là phương tiện không thích hợp để giải quyết các vấn đề về định giá tiền tệ.

Mỹ chưa có động thái gì về cáo buộc 'Việt Nam thao túng tiền tệ'

Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính sách tiền tệ của Việt Nam "làm tổn thương doanh nghiệp Mỹ", nhưng không đưa ra biện pháp trừng phạt.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm