Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer tuyên bố: "Các hành động và chính sách phá giá tiền tệ làm tổng thương doanh nghiệp và người lao động Mỹ, và cần được xử lý". Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ không đưa ra hành động cụ thể nào trong thời điểm này, và cho biết "sẽ tiếp tục đánh giá mọi lựa chọn sẵn có".
Theo Wall Street Journal, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ quyết định không trừng phạt Việt Nam bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp kết thúc nhiệm kỳ, lễ nhậm chức của Tổng thống tân cử Joe Biden chuẩn bị diễn ra.
Đồng thời, các doanh nghiệp và chuyên gia Mỹ cũng phản đối quyết liệt kết luận "Việt Nam thao túng tiền tệ". Trước đó, hôm 29/12/2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ tổ chức buổi điều trần về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer. Ảnh: AFP. |
Tại đây, đa số chuyên gia - trong đó có giáo sư David Dapice thuộc Trường Harvard Kennedy - không ủng hộ việc xác định Việt Nam thao túng tiền tệ. Các doanh nghiệp Mỹ có chuỗi cung ứng tại Việt Nam như Tapestry Inc. hay General Electric khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại đáng tin cậy và luôn sẵn sàng hợp tác.
Trả lời phỏng vấn Zing, giáo sư Dapice nhấn mạnh Việt Nam không nên bị gắn mác thao túng tiền tệ vì về cơ bản, tỷ giá hối đoái VND/USD thực (được điều chỉnh theo chênh lệch lạm phát ở hai nước) ổn định kể từ năm 2016.
"Nếu tính từ năm 2010, sức mạnh đồng tiền Việt Nam so với đồng USD thậm chí còn tăng, đi ngược với cáo buộc phá giá đồng tiền", ông Dapice nói.
Trên trang web Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, giáo sư Jason Furman - nhà kinh tế nổi tiếng nước Mỹ - cho rằng mác thao túng tiền tệ của Mỹ với Việt Nam là một sai lầm. "Việc cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ là một sai lầm cơ bản và cho thấy những vấn đề lớn của khái niệm thao túng tiền tệ", giáo sư Furman khẳng định.