Quan chức cấp cao nhất trong phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) cũng như Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ tại Thái Lan tuần tới sẽ là Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, theo thông báo từ Nhà Trắng hôm 29/10.
Nhà Trắng cũng cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cử ông Robert O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia, làm đặc phái viên của ông tại sự kiện lần này.
David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cũng sẽ có mặt tại Bangkok, Thái Lan, nhưng phái đoàn Mỹ sẽ hoàn toàn bị các nước lớn trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc vượt mặt.
Giảm dần hiện diện
Reuters nhận định, dù tuyên bố Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là "khu vực quan trọng nhất cho tương lai của Mỹ" trong một báo cáo của Lầu Năm Góc năm nay, chính quyền Trump đã giảm dần sự hiện diện của Mỹ tại EAS và các hội nghị của ASEAN.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sẽ đại diện chính phủ Mỹ tại các hội nghị ở Bangkok. Ảnh: Reuters. |
Ông Trump từng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ tại Manila, Philippines, năm 2017 nhưng ông chưa từng tham dự một hội nghị EAS. Phó tổng thống Mike Pence đại diện chính phủ Mỹ tại các hội nghị ở Singapore vào năm ngoái.
Người tiền nhiệm của ông Trump, Barack Obama, ngược lại đã tham dự mọi hội nghị ASEAN - Mỹ cũng như EAS từ năm 2011, ngoại trừ năm 2013, khi ông phải hủy chuyến đi vì chính phủ đóng cửa.
Các nhà ngoại giao châu Á nói việc Mỹ không cử đại diện ở cấp cao nhất chính phủ đến Bangkok sẽ là một sự thất vọng lớn, nếu không nói là không mong đợi, tại khu vực đang ngày càng quan ngại về ảnh hưởng lan rộng và nhanh của Trung Quốc.
Tổng thống Trump sẽ có mặt tại Chile vào giữa tháng 11 để tham dự hội nghị APEC, một diễn đàn chủ yếu tập trung các vấn đề kinh tế. Dự kiến ông sẽ ký thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc để giải quyết cuộc chiến thương mại đã kéo dài và gây tổn thất cho cả hai bên.
Tuy nhiên, giới ngoại giao và phân tích nói việc ông Trump vắng mặt tại Bangkok sẽ đặt ra câu hỏi về cam kết của Mỹ với khu vực, đặc biệt là sau khi ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, không lâu sau khi nhậm chức.
"Một vấn đề thực sự"
Matthew Goodman, cố vấn cấp cao về kinh tế châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng kế hoạch cử người đến Bangkok của Mỹ "là một vấn đề thực sự".
"Như Woody Allen từng nói, 80 hoặc 85% cuộc sống là việc thể hiện cho người ta thấy. Tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều đó rõ ràng là đúng", ông nói trong một buổi cung cấp thông tin trước thềm các hội nghị.
"Nếu bạn xuất hiện, bạn được khen ngợi, dù bạn nói hay làm gì đi nữa. Nếu bạn không xuất hiện, đó là một vấn đề thực sự".
Phó tổng thống Mike Pence, đại diện chính phủ Mỹ tại Hội nghị Cấp cao Đông Á ở Singapore năm 2018, trò chuyện với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại sự kiện. Ảnh: AP. |
Amy Searight, quan chức quốc phòng cấp cao dưới thời ông Obama và hiện là cố vấn cấp cao của CSIS, cho biết EAS đã trở thành diễn đàn đối thoại chiến lược hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, thu hút các nhà lãnh đạo từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như của 10 quốc gia ASEAN.
"
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In dự kiến đều có mặt tại Bangkok. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4/11.