Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ASEAN cân bằng nước lớn trong diễn tập hàng hải với Mỹ

Diễn tập hàng hải chung vừa qua giữa ASEAN và Mỹ tương tự với đợt diễn tập với Trung Quốc một năm trước đó, thể hiện nỗ lực tìm sự cân bằng quan hệ với cả hai siêu cường.

Cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa hải quân các nước ASEAN và Mỹ kết thúc sau hơn 5 ngày. Các hoạt động do Mỹ và Thái Lan đồng chủ trì diễn ra từ ngày 2-6/9 với sự tham gia của 8 tàu chiến cùng 1.000 nhân sự từ Mỹ và 10 nước ASEAN.

Các chuyên gia nhận định Diễn tập hàng hải ASEAN - Mỹ (AUMX) là nỗ lực mới nhất của các nước Đông Nam Á nhằm tái cân bằng quan hệ quốc phòng với Bắc Kinh và Washington. Động thái cũng nhằm tránh tạo nên hình ảnh các nước ASEAN chọn nghiêng hẳn về bất cứ siêu cường nào.

Trả lời South China Morning Post, nhiều chuyên gia đánh giá đợt diễn tập còn là cơ hội để 10 quốc gia thành viên ASEAN thể hiện năng lực quốc phòng của mình tại Biển Đông, giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh sức ảnh hưởng tại khu vực.

dien tap hang hai voi My anh 1
Hải quân các nước ASEAN và Mỹ phối hợp diễn tập nhiều tình huống thực binh trên biển trong khuôn khổ AUMX. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Sự khác biệt giữa hai cuộc diễn tập

Các nước ASEAN cũng tổ chức đợt diễn tập hàng hải tương tự với Trung Quốc vào tháng 10/2018. Đó là lần đầu tiên các lực lượng hải quân của tổ chức khu vực cùng diễn tập với hải quân Trung Quốc. Trong sự kiện lần đó, Trung Quốc huy động gần 1.200 nhân sự tham gia.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, hai cuộc diễn tập hàng hải của ASEAN lần lượt với Trung Quốc và Mỹ vẫn khác nhau về bản chất cũng như áp dụng thực tiễn.

Rajeev Ranjan Chaturvedy, nhà phân tích tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), nói mục tiêu then chốt của cả hai cuộc diễn tập đều nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa các bên. Việc diễn tập chung còn củng cố những kỹ năng cần thiết để cùng đối phó với các thách thức an ninh hàng hải quốc tế.

"Tuy nhiên, diễn tập hàng hải ASEAN - Trung Quốc được hạn chế về quy mô, liên quan đến tìm kiếm cứu nạn và các hoạt động sẵn sàng ứng phó thảm họa", ông nhận định.

"Trong khi đó, diễn tập ASEAN - Mỹ nhắm đến tăng cường khả năng nắm bắt tình huống và phối hợp tác chiến", Chaturvedy nhấn mạnh.

Việc cải thiện khả năng phối hợp tác chiến với Mỹ sẽ cho phép ASEAN củng cố khả năng hoạt động trên Biển Đông đa dạng hơn. Cuộc diễn tập giúp các lực lượng khác nhau phối hợp hoạt động ở những khu vực tranh chấp.

Sean King, Phó chủ tịch hãng tư vấn chiến lược chính trị Park Stratergies, chú ý đến chi tiết có hai đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực tham gia AUMX là Philippines và Thái Lan. Cả hai nước đều có tàu chiến tham dự các hoạt động thực tiễn trên biển.

"Bắc Kinh không có đồng minh chính thức trong nhóm", ông nói yếu tố này khiến mức độ phối hợp hoạt động và trao đổi thông tin quốc phòng giữa hai cuộc diễn tập sẽ khác nhau rất nhiều.

dien tap hang hai voi My anh 2
Trực thăng H-60R Sea Hawk và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer của Mỹ tham gia đợt diễn tập hàng hải cùng các nước ASEAN. Ảnh: Hải quân Mỹ.

"Một điểm khác biệt nữa là trong khi Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, các nước ASEAN biết Mỹ không có chủ tâm kiểm soát bất kỳ vùng biển nào mà những nước này tuyên bố chủ quyền. Tôi nghĩ sự hiện diện của Mỹ là nhằm trấn an khu vực và nhắc nhở Bắc Kinh rằng Washington vẫn còn đó", Sean King đánh giá.

Trong khi đó, chuyên gia Collin Koh, làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, đánh giá các nước Đông Nam Á cải thiện quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ một phần vì sự chênh lệch về năng lực quá lớn với Trung Quốc.

"Sự chênh lệch dài hạn về tiềm lực quốc phòng khiến các nước cần tiếp tục duy trì quan hệ quốc phòng và an ninh với những cường quốc bên ngoài, cụ thể là Mỹ. Với góc nhìn này, chúng tôi nhận thấy các nước ASEAN cũng duy trì và củng cố quan hệ quốc phòng và an ninh với nhiều cường quốc khác bên ngoài khu vực như Australia và Nhật Bản", ông Koh nhận định.

Cân bằng giữa hai siêu cường

Trung Quốc những năm qua bất chấp sự lên án của khu vực và quốc tế, ngang nhiên cải tạo các thực thể trên Biển Đông, xây đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo. Nước này còn cho xây dựng đường băng quy mô lớn và triển khai trang thiết bị quân sự đến các đảo nhân tạo bất hợp pháp.

Mỹ vào tháng 8 đã triển khai tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đến thăm Philippines và đi vào Biển Đông. Giới quan sát nhận định động thái này không chỉ nhằm thể hiện cam kết an ninh của Washington với đồng minh. Sự xuất hiện của tàu sân bay lớp Nimitz còn gửi đi thông điệp nhắc nhở sức mạnh quân sự Mỹ vẫn hiện diện tại khu vực để đối trọng với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai siêu cường tại khu vực, giới chuyên gia cho rằng những cuộc diễn tập hàng hải vừa qua với các nước ASEAN đều ẩn chứa hàm ý chính trị.

"Các tính toán chính trị đều bao trùm cả hai trường hợp. Bắc Kinh muốn xây dựng niềm tin chiến lược tốt hơn với các nước láng giềng, gỡ bỏ những lo lắng về sự trỗi dậy của họ. Mỹ cũng muốn siết chặt hợp tác an ninh với các nước ASEAN để đối trọng với Trung Quốc. Cả hai cuộc diễn tập hàng hải như hình ảnh phản chiếu của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung", Zhang Baohui, chuyên gia về an ninh khu vực tại ĐH Lĩnh Nam (Trung Quốc), trả lời South China Morning Post.

dien tap hang hai voi My anh 3
Hải quân Philippines và Brunei, cùng nhóm chiến thuật số 3 với Tàu 18 của hải quân Việt Nam, tham gia bài tập lục soát và bắt giữ tàu khả nghi. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, ông cho rằng các nước ASEAN không muốn nghiêng hẳn về Mỹ hay Trung Quốc. Điều này khiến các cuộc diễn tập không tác động nhiều về địa chính trị tại khu vực.

"Ý nghĩa quân sự sẽ hạn chế vì các nước ASEAN về cơ bản không muốn chọn phe. Nhiều nước tham gia đợt diễn tập giữa ASEAN và Mỹ cũng có quan hệ tốt với Trung Quốc", ông Zhang đánh giá.

"ASEAN đang bị kẹp giữa Trung Quốc và Mỹ. Các nước thành viên muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai siêu cường. Trong khi Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn, Mỹ là người đảm bảo an ninh then chốt. Đây cũng là tình thế khó khăn mà nhiều nước trên khắp thế giới đang đối diện", ông nhận định.

Chuyên gia Chaturvedy cho rằng ASEAN giữa bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung đang muốn chọn hướng đi thực dụng, chứ không phải những ràng buộc và đòi hỏi lòng trung thành.

"Vì đặc điểm đa dạng và phức tạp của nội bộ ASEAN, với những nước thành viên có lợi ích quốc gia và ưu tiên khách nhau, việc xây dựng một sự cân bằng với lợi ích khu vực gặp nhiều thách thức hơn. Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng của các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ lèo lái khu vực vượt qua những biến động địa chính trị phức tạp hiện nay", Chaturvedy dự đoán.

Việt Nam tham gia diễn tập hàng hải ASEAN - Mỹ Ngày 2/9, tại căn cứ hải quân Sattahip, Thái Lan, đã diễn ra lễ khai mạc cuộc diễn tập chung trên biển đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN.

Tàu chiến Việt Nam sát cánh cùng các nước tại diễn tập AUMX

Tàu hộ vệ săn ngầm 18 của Hải quân Nhân dân Việt Nam sát cánh cùng chiến hạm của Mỹ và ASEAN trong cuộc diễn tập chung đầu tiên trên biển.

Chuẩn đô đốc Mỹ đánh giá cao đóng góp của VN cho diễn tập hàng hải

Chuẩn đô đốc Murray Joe Tynch đánh giá cao sự chuyên nghiệp của Việt Nam trong quá trình lên kế hoạch và tham gia cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và các nước ASEAN.

Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm