Rạng sáng 28/2, Thượng viện Mỹ đã thông qua một đề xuất cho phép chính phủ hỗ trợ 1 tỷ USD cho các nhà mạng nhỏ để thay thế tất cả các thiết bị viễn thông có nguồn gốc từ Trung Quốc. Quyết định này nhiều khả năng sẽ khiến Huawei và ZTE biến mất hoàn toàn khỏi thị trường Mỹ.
Theo Politico, sau khi Thượng viện Mỹ thông qua, dự thảo sẽ được chuyển tới cho Tổng thống Donald Trump ký.
Đây có thể là dấu chấm hết cho sự tồn tại của Huawei, ZTE tại các mạng viễn thông ở Mỹ. Ảnh: AFP. |
Vào tháng 12/2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật về mạng viễn thông an ninh và tin cậy. Một trong những điều khoản của đạo luật này là chính quyền sẽ chi tiền để hỗ trợ các nhà mạng nhỏ thay thế các thiết bị viễn thông Trung Quốc. Tại Mỹ, nhiều nhà mạng nhỏ sử dụng thiết bị của Huawei, ZTE mua từ nhiều năm trước vì giá rẻ. Đây chính là rào cản cho việc loại bỏ hai công ty Trung Quốc khỏi thị trường viễn thông Mỹ.
Dự thảo này đã phải mất một thời gian mới được Thượng viện Mỹ thông qua vì một số nghị sĩ chưa thống nhất về nguồn ngân sách để tài trợ cho các nhà mạng.
Từ lâu, chính quyền của ông Trump đã cáo buộc Huawei liên kết với chính quyền Trung Quốc và có thể là mối nguy an ninh với Mỹ. Đây sẽ là chiến thắng mới nhất của chính quyền ông Trump để loại bỏ ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc đối với mạng viễn thông Mỹ.
Vào tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa Huawei vào danh sách hạn chế giao thương công nghệ. Mọi công ty công nghệ Mỹ muốn giao dịch với Huawei đều phải có giấy phép đặc biệt từ cơ quan này. Điều này khiến cho Google, Microsoft và Qualcomm đều phải ngừng hợp tác với Huawei một thời gian.
Quyết định này gần như đánh dấu chấm hết cho nỗ lực phát triển mảng smartphone tại các thị trường quốc tế của Huawei. Dù được người dùng trong nước ủng hộ và vẫn phát triển, các smartphone của Huawei không có dịch vụ Google đã không thể bán nổi ở châu Âu, thị trường nước ngoài quan trọng nhất với hãng. Đến nay, Huawei vẫn phải tìm cách phát triển kho ứng dụng riêng, đồng thời liên minh với các nhà sản xuất Trung Quốc khác để tạo ra một phiên bản cạnh tranh với Play Store của Google.
Huawei vẫn đang cố gắng tham gia thị trường mạng 5G tại châu Âu. Ảnh: DW. |
Trong khi đó, Mỹ cũng dùng ảnh hưởng của mình để khuyến khích các nước đồng minh không sử dụng thiết bị 5G của Huawei. Đến nay cả Đức và Anh, hai đồng minh lớn của Mỹ đều chấp nhận cho Huawei tham gia phát triển 5G. Tuy nhiên, công ty Trung Quốc vẫn chưa thể ăn mừng. Đức đang chờ thông qua bộ tiêu chuẩn bảo mật cho các thiết bị 5G, một rào cản kỹ thuật có thể dùng để loại bỏ thiết bị Huawei. Nhà mạng lớn nhất của Đức là Deutsche Telekom cũng tuyên bố không lựa chọn thiết bị của Huawei.
Trong khi đó, chính phủ Anh cũng cho biết gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc sẽ bị hạn chế tham gia vào một số “chức năng nhạy cảm”, cốt lõi. Đồng thời, lượng thiết bị của nhà sản xuất này cũng bị giới hạn ở mức 35% trong hệ thống.