Theo Nikkei, Google và Microsoft đang cố chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop... từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á vì ảnh hưởng của dịch Corona. Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ là điểm đến của hai ông lớn công nghệ này.
Hai nguồn tin của Nikkei cho biết Google đang chuẩn bị sản xuất Pixel 4A, smartphone giá rẻ mới nhất của hãng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Pixel 5 có thể được sản xuất tại Đông Nam Á từ quý III.
Microsoft và Google dễ dàng dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc hơn Apple vì quy mô nhỏ. Ảnh: Reuters. |
Các sản phẩm phần cứng được cho là nằm trong nỗ lực cố ràng buộc người dùng vào hệ sinh thái của hai gã khổng lồ công nghệ.
Hiện Google là nhà sản xuất loa thông minh lớn thứ 2 thế giới sau Amazon. Smartphone Pixel của Google hiện đứng top 6 tại thị trường Mỹ, doanh số toàn cầu tăng 50% so với năm ngoái.
Trong khi điện thoại có thể được sản xuất tại Việt Nam thì các thiết bị smarthome của Google đang được một đối tác tại Thái Lan gia công.
Về phần Microsoft, hãng dự kiến sẽ sản xuất dòng laptop Surface tại miền bắc Việt Nam từ quý II năm nay.
"Khối lượng công việc tại Việt Nam ban đầu sẽ nhỏ. Tuy vậy, thời gian tới, Microsoft muốn sản lượng tăng mạnh hơn", một giám đốc của chuỗi cung ứng nói với Nikkei.
Trước đây, ngoài smartphone Pixel, các thiết bị phần cứng của Google và Microsoft đều được sản xuất tại Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến nhiều ngành công nghiệp điêu đứng trong đó có công nghệ.
Điều này khiến các hãng công nghệ chuyển hướng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, dịch corona chưa biết khi nào mới được kiểm soát cũng khiến các công ty lớn suy nghĩ đến việc không nên tập trung toàn bộ nguồn lực vào một nơi.
"Dịch corona bùng lên bất ngờ sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất thiết bị điện tử nỗ lực tìm kiếm những đơn vị gia công bên ngoài Trung Quốc. Không ai có thể bỏ qua những rủi ro như vậy. Câu chuyện không phải là tiết kiệm bao nhiêu tiền mà là duy trì ổn định cho chuỗi cung ứng", một giám đốc chuỗi cung ứng giấu tên nói với Nikkei.
So với các thương hiệu lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc như Apple, HP và Dell, các công ty Internet như Google và Microsoft có thể linh hoạt hơn trong ciệc chuyển dây chuyền sản xuất ra nước khác.
Theo IDC, năm 2019, Apple có 200 triệu smartphone được bán ra. Trong khi đó, Google chỉ bán được 7 triệu chiếc Pixel, toàn bộ laptop Surface của Microsoft chỉ đạt 6 triệu máy.
"Dù Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại hồi tháng 1 nhưng sự bùng phát dịch corona củng cố quyết tâm dời nhà máy của nhiều công ty", nguồn tin của Nikkei nói thêm.
Google thậm chí còn yêu cầu các nhà cung cấp đánh giá tính khả thi và chi phí để tháo dỡ, di chuyển một số thiết bị sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Microsoft cũng đã khởi động kế hoạch sản xuất tại Việt Nam sớm hơn dự định trước khi dịch bệnh lan rộng, các nguồn tin cho biết.
Tuy vậy, việc di chuyển nhà máy chưa khắc phục hoàn toàn sự lệ thuộc của hai ông lớn công nghệ với Trung Quốc. Nhiều linh kiện, nguyên liệu để tạo ra sản phẩm cuối cùng của Google và Microsoft được sản xuất tại Trung Quốc.
"Ngay cả khi quy trình lắp ráp cuối cùng nằm ngoài Trung Quốc, các nhà sản xuất vẫn cần linh kiện và nguyên liệu của nước này. Đó là vấn đề của cả chuỗi cung ứng, cần có thời gian để xây dựng lại", Joey Yen, Nhà phân tích Công nghệ tại công ty nghiên cứu IDC nói với Nikkei.
Theo Nikkei, chính phủ Việt Nam đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ đầu tháng 2 để ngăn ngừa sự bùng phát của corona. Chính điều này đã tạo ra thách thức cho việc vận chuyển linh kiện đến Việt Nam.
Samsung Electronics, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam trong nhiều năm. Tuy vậy, họ vẫn lệ thuộc vào linh kiện điện tử đến từ Trung Quốc.
Theo Reuters, Samsung cho biết đang xem xét việc nhập khẩu các linh kiện thông qua đường biển hoặc đường hàng không. Thế nhưng điều này sẽ dẫn đến tăng chi phí dù vẫn không thể đáp ứng được kế hoạch sản xuất.