Mỹ Duyên: Mãi mãi một "lương tâm bé bỏng"
Trong một buổi tập kịch ở sân khấu số 7 Trần Cao Vân Q1, TPHCM. Mỹ Duyên nhỏ nhắn và giản dị trong chiếc áo phông trắng, quần kaki xanh nhạt. Cô chăm chú lắng nghe đạo diễn, quan sát và phối hợp cùng các bạn diễn, với một vẻ khiêm nhường như chính ấn tượng cô tạo ra từ bộ trang phục đời thường lúc này.
Đồng nghiệp tại Idecaf đánh giá Mỹ Duyên cao nhất ở tính cầu thị, khiêm tốn, rất chịu khó học hỏi: "Mỹ Duyên hả? Như con ong chăm chỉ vậy đó".
Trong nghệ thuật, Mỹ Duyên đến với sân khấu muộn. Cô học múa từ nhỏ ở Liên Xô, về nước vào mùa thu năm 1990, đóng bộ phim đầu tiên (Vị đắng tình yêu II - đạo diễn Lê Hoàng) năm 1991, khoảng năm 1996-1997 mới bắt đầu bước lên sân khấu kịch.
Hỏi Mỹ Duyên thích gì nhất trong ba lĩnh vực múa, điện ảnh, sân khấu, cô ngẫm nghĩ: "Mình yêu cả ba. Khó so sánh là thích cái gì nhất lắm". Nói chung, Duyên muốn được biết đến như là một người làm nghệ thuật, một nghệ sĩ, vậy thôi. Những suy nghĩ của cô về nghề, về thế giới nghệ thuật mà cô đang sống như cho thấy Mỹ Duyên ở khía cạnh khác, sâu sắc và nhiều tâm sự hơn.
Cô bảo: "Thật sự là Việt Nam chưa có điều kiện nên làm nghệ thuật vất vả lắm. Nhiều khi phải chấp nhận là sức của mình chỉ đến đó thôi, không thể hơn được. Tủi thân khi thấy diễn viên nước ngoài chỉ làm chút xíu đã có thể giàu to. Họ đóng một phim đủ sống cả năm.
Vào vai người cưỡi ngựa chẳng hạn, họ có thể tự bỏ tiền ra đi học, quan sát, thâm nhập thực tế. Như nghệ sĩ bên mình thì làm sao thế được? Thời gian đâu, tiền đâu? Cứ phải tay làm hàm nhai. Mà sao thiên hạ hay nghĩ nghệ sĩ giàu? Có người đến nhà mình đã phải kêu lên: "Trời, Duyên sống vậy hả?" Mình sống vậy đó. Không ôtô, không villa, ở căn hộ, đi xe gắn máy, có gì mà giàu?".
Có chút buồn và chạnh lòng, nhưng Mỹ Duyên vẫn biết mình còn may mắn sống được với nghề. Những lúc vui nhất của cô bây giờ, với tư cách một nghệ sĩ, là lúc nhận vai, nhất là vai diễn mình yêu thích. Cô thích diễn, thích cảm giác sống hết mình với nhân vật trên sân khấu và trên phim.
Vậy còn nghề múa, nghề mà cô được đào tạo bài bản nhất với 8 năm ở Nga? "Đó là một nghề sang, đòi hỏi nhiều điều kiện để phát triển, như tài chính, nhân sự, nền tảng chung của xã hội. Diễn viên phải bỏ công sức rất lớn để tập, tập rồi lại phải có suất diễn thường xuyên, chỉ dừng một ngày là đã không được rồi. Môi trường ở nước mình thiếu thốn cả về vật chất lẫn nhân sự, khó theo nghề lắm, mà Duyên bỏ ballet chính thống cả chục năm, bây giờ không hy vọng trở lại được nữa".
Hình ảnh Mỹ Duyên trong tâm trí khán giả từ trước đến nay luôn là một nữ diễn viên từng toả sáng với nhiều vai diễn đủ loại, chứ mấy ai biết nghệ sĩ ballet Mỹ Duyên.
Trong lĩnh vực sân khấu, Mỹ Duyên đến với kịch nói muộn nhất, sau khi đã quá nổi tiếng trên màn bạc. Cô biết rõ những khó khăn của mình: không được đào tạo bài bản về diễn xuất cho sân khấu, hơi yếu... tiếng Việt. (Học ở Nga từ nhỏ, Mỹ Duyên thừa nhận cô chịu nhiều thiệt thòi về ngôn ngữ).
Xuất hiện giữa một dàn diễn viên cứng của Idecaf, trong đó có những gương mặt gạo cội như Thành Lộc, Kim Xuân, Hữu Châu..., Mỹ Duyên dĩ nhiên gặp nhiều khó khăn trong việc thể hiện mình, nên cô bị đánh giá là chưa có vai diễn nào nổi bật như trong điện ảnh.
Bù lại, Mỹ Duyên rất chịu khó học hỏi, quan sát để phát triển nghề. Cô học từ cuộc sống, từ sách vở, nhất là "từ kinh nghiệm của các anh các chị trong đoàn", với tinh thần cầu thị và thích thú thực sự: "Cùng một vai diễn, cũng những lời thoại ấy, mà mỗi diễn viên thể hiện mỗi khác. Với mỗi vai, người diễn đều phải tìm tòi, suy nghĩ, phát triển tâm lý, tính cách, gọi là "phá nhân vật". Đó là cái hay, cũng là cái căng thẳng, cái khó của sân khấu".
Sâu khấu với Mỹ Duyên là môi trường để rèn luyện, cô coi các khó khăn như cơ hội để mình phát triển. Yêu nghề, khắt khe và không thoả mãn với chính mình, đó chắc chắn là những điểm mạnh của Mỹ Duyên và là những phẩm chất đầu tiên phải có ở một nghệ sĩ tài năng. Cũng vì thế mà Mỹ Duyên rất không thích lặp lại mình, cô bảo "bây giờ cứ có ai mời mình vào vai con nít là mình sợ lắm".
17 năm làm nghệ thuật ở Việt Nam, trong cả ba lĩnh vực múa, điện ảnh, sân khấu, Mỹ Duyên có khá nhiều suy tư về nghề. Cô nói rất thành thực: "Đừng bao giờ nghĩ tại khán giả không quan tâm mà nghệ thuật không phát triển. Mình làm không tốt nên công chúng mới không thích. Như với múa chẳng hạn, hồi xưa Duyên cứ nghĩ "tại khá giả", nhưng thật ra là do người làm nghề không bắt kịp thị hiếu của xã hội. Chứ thời nay, công chúng đi nước ngoài nhiều rồi, xem ballet nhiều rồi, họ đâu có kém đâu!".
Với điện ảnh, Mỹ Duyên có phần lạc quan hơn, cô cho rằng cách làm phim của Việt Nam bây giờ đã chuyên nghiệp hơn xưa rất nhiều, nhất là từ khi có sự hợp tác với những nhà đầu tư nước ngoài và sự lớn mạnh của phim tư nhân.
Dù vậy, những năm tháng này, điện ảnh Việt Nam vẫn đang trải qua giai đoạn giao thời đầy khó khăn, mà các nhà làm phim không còn cách nào khác là "phải làm sao dung hòa được giữa nghệ thuật và thị hiếu của khán giả".
Mỹ Duyên nghĩ trước mắt có lẽ cứ hướng vào làm phim phục vụ nhu cầu của thị trường đã rồi sẽ tự "nâng tầm" dần dần. Nói là nói vậy, chứ Mỹ Duyên không có ý định trở thành một nhà sản xuất hay đạo diễn phim, cô chỉ muốn sống với các vai diễn của mình thôi.
"Duyên không có biết làm kinh doanh đâu" - cô nói với một nụ cười rất hiền, khoe răng khểnh. Nhỏ nhắn xinh tươi, gương mặt như trăng rằm, Mỹ Duyên trông không khác bao nhiêu so với thời đóng phim Lương tâm bé bỏng (năm 1993). Hơn chục năm qua rồi, có vẻ như ấn tượng về sự trong sáng mà Lương tâm bé bỏng tạo ra vẫn chưa bao giờ phai mờ ở Mỹ Duyên.
Còn bây giờ, trong lúc chờ đợi một sự toả sáng mạnh mẽ hơn, cô vẫn cần mẫn, say mê và nghiêm túc chăm chút từng vai diễn trên sân khấu Idecaf mỗi ngày.
Theo SM