Phát ngôn viên Không quân Mỹ, đại úy Mark Graff, ngày 12/6 cho biết khoảng 55 tiêm kích F-35 buộc phải dừng bay cho đến khi có thông báo mới, vì những bất thường trong việc cung cấp oxy cho phi công, Reuters đưa tin.
Các chuyến bay huấn luyện với tiêm kích F-35 tại căn cứ không quân Luke, Arizona, nơi có 55 chiếc đang hoạt động bị đình chỉ vào ngày 9/6, dự kiến nối lại vào ngày 12/6. Tuy nhiên, thông báo mới nhất của Không quân Mỹ quyết định dừng bay vô thời hạn đối với các máy bay tại căn cứ này. Hơn 220 chiếc F-35 đang hoạt động trên toàn thế giới.
F-35 bị đình chỉ bay diễn ra trong thời điểm vô cùng quan trọng đối với tập đoàn Lockheed Martin, khi họ có kế hoạch trình diễn F-35 trong triển lãm hàng không Paris vào tuần tới. Theo Không quân Mỹ, hoạt động bay đối với F-35 ở các căn cứ khác vẫn được tiếp tục.
Chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 đang chiếm tới 37% doanh thu của tập đoàn Lockheed Martin. Trong quý I, doanh thu từ hoạt động hàng không của tập đoàn tăng thêm 8%, khoảng 4,1 tỷ USD, dẫn đầu là doanh thu từ F-35.
Tiêm kích đắt nhất thế giới liên tục gặp vấn đề về kỹ thuật. Ảnh: USAF. |
Căn cứ không quân Luke là trụ sở của Không đoàn 56. Căn cứ này phải đình chỉ hoạt động bay của phiên bản F-35A sau khi ghi nhận 5 sự cố phi công gặp phải tình trạng giống như thiếu oxy, phát ngôn viên Graff cho biết tại Lầu Năm Góc.
Không quân Mỹ cho biết thêm, sự cố bắt đầu xảy ra từ ngày 2/5, trong các lần hệ thống oxy chính gặp sự cố, hệ thống oxy dự phòng vẫn hoạt động giúp phi công có thể hạ cánh an toàn. Căn cứ Luke thực hiện khoảng 25 chuyến bay đào tạo mỗi ngày đối với F-35.
“Việc dừng bay đối với F-35 được kéo dài thêm để các chuyên gia nghiên cứ kỹ hơn vấn đề đối với phi công, nhân viên bảo trì và chuyên gia y tế”, thiếu tá Rebecca Heyse, phát ngôn viên căn cứ Luke nói.
Luke là căn cứ F-35 lớn nhất thế giới, nơi tiến hành các hoạt động huấn luyện chính cho Không quân Mỹ cũng như các nước đồng minh. Một đại diện tập đoàn Lockheed Martin cho biết sẽ hỗ trợ không quân sớm giải quyết vấn đề.
Tập đoàn Lockheed Martin cùng các đối tác đang chế tạo F-35 cho quân đội Mỹ và 10 đối tác đồng minh trong dự án chế tạo máy bay đắt nhất lịch sử. Khoảng 220 chiếc F-35 đã được xuất xưởng, tích lũy được hơn 95.000 giờ bay nhưng chưa thấy hoạt động chiến đấu.
Đây không phải là lần đầu tiên lỗi kỹ thuật xảy ra đối với dự án tiêm kích đắt nhất thế giới. Trong năm 2016, hàng loạt tiêm kích F-35 tại căn cứ không quân Utah bị lỗi bong tróc hệ thống cách điện ở bộ phận làm mát thùng nhiên liệu.