Hãng tin Reuters cho biết, thiết bị dò tìm này được trang bị cho tàu chiến của lực lượng phòng vệ Australia.
Tàu ngầm không người lái Bluefin-21. Ảnh: BI. |
Tàu ngầm không người lái Bluefin-21 có thể tìm kiếm những vật dưới đáy biển nhờ khả năng lặn xuống độ sâu 4.500 m so với mặt nước. Nó có chiều dài 5 m, nặng khoảng 750 kg. Ngoài những thiết bị sẵn có, Bluefin-21 còn mang máy quét sonar phụ hoặc camera chuyên dụng. Cả hai thiết bị này đều có khả năng phát hiện và định hình những dị vật nằm dưới đáy biển.
Do Bluefin-21 không thể nhận lệnh điều khiển từ vệ tinh nên nó hoạt động theo một lịch trình cài đặt trước. Nó tránh dị vật nhờ hệ thống quét chuyên dụng đặt trên "tàu mẹ". Sau khi hoàn tất nhiệm vụ rà soát đáy biển, 8 chuyên gia dân sự và hai chuyên gia hải quân sẽ phân tích dữ liệu mà tàu ngầm mini thu thập.
Gia đình tàu lặn không người lái Bluefin. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Đây là lần thứ hai Hải quân Mỹ công khai sử dụng Bluefin-21. Năm ngoái, Mỹ đưa một chiếc Bluefin-21 tới Nhật Bản để truy tìm dấu vết chiếc máy bay phản lực F-15 của không quân, gặp nạn ngoài khơi Okinawa, Nhật Bản.
Ngoài Bluefin-25, Mỹ cũng đưa tàu lặn TPL-25 tới dò tìm hộp đen máy bay mất tích. Đây là thiết bị định vị ngầm, di chuyển nhờ lực kéo của tàu mặt nước. TPL-25 được trang bị những bộ lọc chuyên dụng, nhằm phát hiện những tiếng “ping” phát ra từ bộ phát tín hiệu của hộp đen ghi âm buồng lái máy bay dân sự.
Tàu lặn săn lùng hộp đen TPL-25. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Theo thiết kế, TPL-25 có khả năng phát hiện hộp đen máy bay ở độ sâu 6 km so với mực nước biển. Hình dáng của nó giống một chiếc tàu lượn, dài 75 cm, nặng 31,5 kg. Khi hoạt động, TPL-25 chìm sâu dưới nước, cách đáy biển khoảng 300 m. Một tàu mặt nước sẽ kéo thiết bị này qua những vùng biển tình nghi thông qua sợi cáp dài. Tốc độ di chuyển của tàu nằm trong khoảng 1 – 5 hải lý.
Thiết bị phát tín hiệu của hộp đen máy bay tạo ra những sóng siêu âm nằm ngoài khả năng tiếp nhận của tai người. Thông thường, sóng âm thanh của hộp đen đạt 37,5 kHz trong khi khả năng nghe của con người chỉ giới hạn trong khoảng 15 Hz tới 20.000 Hz. Tuy nhiên, những hệ thống định vị vật dưới nước bằng âm hoặc siêu âm sẽ dễ dàng phát hiện ra chúng.
Hiện tại, hộp đen máy bay có khả năng phát tiếng "ping" mỗi giây một lần, phát liên tục trong 30 ngày kể từ khi mắt thần phát hiện ra nó ngập nước. Theo Hải quân Mỹ, TPL-25 có thể phát hiện tiếng "ping" của hộp đen ở mọi địa hình đáy biển trong độ sâu giới hạn. Nó từng tìm kiếm thành công hộp đen chuyến bay TWA 800, phát nổ và rơi xuống biển ngoài khơi Long Island, New York, Mỹ năm 1996.
Ngoài các thiết bị chuyên dụng, người ta cũng sử dụng vệ tinh, máy bay săn ngầm và máy bay tuần duyên tìm kiếm những mảnh vỡ khả nghi trên biển. Tuy nhiên, các trận bão liên tiếp đang cản trở nỗ lực truy dấu MH370.