“Tôi ra lệnh thực hiện các biện pháp này vì một lý do - sự an toàn của các nhân viên. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi bất cứ công dân Mỹ nào còn ở lại Ukraine rời đi ngay lập tức”, CNN dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo hôm 14/2.
Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Mỹ ra lệnh cho phần lớn nhân viên rời khỏi Ukraine. Các dịch vụ lãnh sự tạm thời ngưng hoạt động kể từ hôm 13/2. Mỹ và đồng minh phương Tây những ngày gần đây liên tục cáo buộc Tổng thống Putin sắp phát động tấn công Ukraine, mặc dù Điện Kremlin liên tục phủ nhận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết quyết định di dời tất cả nhà ngoại giao còn lại từ Kyiv đến miền Tây Ukraine được đưa ra vì bộ cảm thấy "hoàn toàn cần thiết", nhìn từ “thực tế rõ ràng Nga có thể quyết định tiến hành các hành động quân sự”. Ông Price lưu ý thêm vị trí của Lviv "mang lại mức độ bảo vệ mà những nơi khác ở Ukraine có thể không có”.
Đại sứ quán Mỹ tại Kyiv. Ảnh: New York Times. |
Cùng ngày, ông Blinken đã nói chuyện với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba và nhấn mạnh "cam kết của Mỹ và các đồng minh đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bao gồm cả ổn định kinh tế và tài chính".
Mỹ cũng điện đàm với Moscow trong những ngày gần đây. Ông Blinken đã nói chuyện với Ngoại trưởng Sergey Lavrov trước cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với ông Putin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cuối ngày 14/2 khẳng định ông Putin "sẵn sàng đàm phán", nói rằng cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là một phần trong những lo ngại lớn hơn về an ninh của Nga.
Không chỉ Mỹ, hàng chục nhà ngoại giao phương Tây ở Kyiv cũng gói ghém hành lý và rời thành phố vào đêm 13/2, giữa lúc nhiều nước cảnh báo tất cả công dân “rời khỏi Ukraine ngay lập tức”.