USS Curtis Wilbur (DDG 54), chiến hạm thực hiện sứ mệnh áp sát đảo Tri Tôn, nơi Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Ảnh: US Navy |
"Tôi xác nhận Bộ Quốc phòng thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông vào ngày 30/1, đặc biệt là tại khu vực đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa, nhằm thách thức các tuyên bố hàng hải phi lý", người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban nói.
Mark Wright, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, cũng cho hay động thái của nước này nhằm đảm bảo quyền tự do đi lại và chuyển hướng trên biển. Mỹ không báo trước về hoạt động của USS Curtis Wilbur nhưng khẳng định nó phù hợp với luật pháp quốc tế và là hoạt động bình thường của Hải quân Mỹ.
Theo CNN, chiến hạm thực hiện sứ mệnh áp sát đảo Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp là tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG 54). Tàu tuần tra trong khu vực trong vòng 3 giờ. USS Wilbur là tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Nó vừa cập cảng ở Manila, Philippines hôm 24/1 vừa qua trong chuyến thăm và bảo dưỡng định kỳ.
Không có tàu chiến của Trung Quốc hiện diện trong khu vực khi Wilbur áp sát đảo Tri Tôn. Trước đó, Hải quân Trung Quốc thường bám sát tàu Mỹ trong những lần Washington thực hiện quyền tự do hàng hải.
"Hoạt động này chứng tỏ điều mà Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ điều máy bay và tàu hoạt động ở mọi nơi mà luật pháp quốc tế cho phép. Sự thật là Biển Đông cũng như mọi nơi khác trên thế giới", Đô đốc Bill Urban nói.
Sau sự việc, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải lớn tiếng nói rằng việc làm của Mỹ là "hành động khiêu khích nghiêm trọng về chính trị và quân sự".
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cáo buộc chiến hạm Mỹ xâm phạm cái gọi là vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Phía Bắc Kinh đã giám sát, sử dụng các biện pháp cảnh báo với tàu Mỹ. Bà Hoa còn lớn tiếng nói rằng Mỹ hãy gia tăng các động thái nhằm xây dựng niềm tin giữa 2 nước và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Đảo Tri Tôn thuộc cụm Lưỡi Liềm, trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khu vực này đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ điều tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Trung Quốc kiểm soát trái phép trên Biển Đông. Trong năm 2015, Mỹ từng điều tàu khu trục USS Lassen và máy bay ném bom chiến lược B-52 áp sát các đá và rạn san hô mà Trung Quốc bồi lấp trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lần gần nhất Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là năm 2011.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Trước đó, Việt Nam nhiều lần kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.