"Thông điệp của chúng tôi vẫn kiên định: Mọi thành viên có trách nhiệm, có vai trò xây dựng trong cộng đồng quốc tế cần lên tiếng, hợp tác đưa cuộc chính biến đến hồi kết và khôi phục chính phủ dân cử dân chủ ở Myanmar", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết ngày 4/3.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price. Ảnh: AP. |
"Chúng tôi mong muốn nhìn thấy những nhân tố và các bên có trách nhiệm trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, tiếp tục lên án quyết liệt (cuộc chính biến) và sử dụng quyết sách phù hợp để buộc những ai có trách nhiệm phải trả giá", ông bình luận về tình hình Myanmar.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đã có nhiều cuộc trao đổi với Bắc Kinh trong thời gian qua, giữa quan chức ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Người phát ngôn khẳng định Mỹ không muốn ép buộc cách hành xử của nước khác. Tuy nhiên, Mỹ đã trình bày rất rõ quan điểm của mình với cộng đồng quốc tế, "rằng phản ứng có trách nhiệm và có tính xây dựng là như thế nào".
Quân đội đã bắt giam các lãnh đạo dân cử đảng cầm quyền Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) hôm 1/2. Tình trạng khẩn cấp cũng được áp đặt trong thời hạn một năm.
Liên Hợp Quốc cho biết hơn 50 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh sử dụng đạn thật để trấn áp các cuộc biểu tình lan rộng khắp cả nước. Hàng chục người khác bị thương, và hơn 1.000 người đã bị bắt giữ. Riêng trong ngày 3/3, ít nhất 38 người biểu tình đã thiệt mạng.
Từ 13h ngày 5/3, một loạt thành phố lớn của Myanmar đột ngột mất điện trên diện rộng. Diễn biến này khiến các nhà quan sát thêm lo ngại phe quân đội dùng vũ lực quyết liệt hơn để trấn áp người biểu tình.