Tàu ngầm USS Hartford của Mỹ hoạt động gần cực bắc trong một cuộc tập trận năm 2016. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Theo chiến lược - vốn là bản cập nhật của phiên bản năm 2013 - Mỹ sẽ tìm cách duy trì vùng Bắc Cực như khu vực “hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác", Reuters đưa tin.
Chiến lược bao gồm bốn trụ cột chính: An ninh, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, cũng như hợp tác và quản trị quốc tế. Trong đó, vấn đề biến đổi khí hậu được đề cập một cách cấp thiết hơn. Washington cũng hứa hẹn về các khoản đầu tư mới để vừa cải thiện cuộc sống của người dân, vừa bảo vệ môi trường.
Văn bản này “cũng đề cập đến sự gia tăng cạnh tranh chiến lược ở vùng Bắc Cực”, Nhà Trắng tuyên bố trong trang thông tin về chiến lược. Theo Washington, sự cạnh tranh này đang gia tăng do hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine và nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực.
“Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ người dân Mỹ và chủ quyền lãnh thổ”, Nhà Trắng khẳng định. “Mỹ sẽ ngăn chặn các mối đe dọa tới lãnh thổ Mỹ và các đồng minh qua việc nâng cao năng lực bảo vệ lợi ích ở vùng Bắc Cực, trong khi điều phối cách tiếp cận an ninh chung với các đồng minh và đối tác”.
Chiến lược mới của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nga đã mở lại hàng trăm cứ điểm quân sự từ thời Liên Xô tại vùng Bắc Cực, theo thông tin được Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đưa ra hồi tháng 8.
Trong khi đó, Trung Quốc - nước tự định vị là quốc gia “cận Bắc Cực” - đã bày tỏ ý định xây dựng một “con đường tơ lụa ở vùng cực”, Reuters cho biết.