Lệnh cấm của Mỹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự án siêu máy tính của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
New York Times đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị công bố lệnh cấm mới nhắm vào các công ty Trung Quốc trong tuần này. Lệnh cấm sẽ hạn chế việc tiếp cận các công nghệ hỗ trợ tác vụ tính toán hiệu suất cao, nhắm vào những công ty trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính tại Trung Quốc.
Bộ quy tắc được xây dựng dựa trên lệnh cấm Huawei dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Lần này, chúng được áp dụng cho các công ty, phòng nghiên cứu và tổ chức công nghệ cao của Trung Quốc.
Hiện chưa rõ danh sách công ty và tổ chức bị ảnh hưởng, tuy nhiên họ sẽ không thể mua công nghệ từ các doanh nghiệp Mỹ liên quan đến AI và siêu máy tính.
Động thái mạnh tay nhất của Mỹ
Lệnh cấm sẽ là động thái mới và mạnh nhất của Mỹ nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc, từ đó ngăn chặn tham vọng của đất nước tỷ dân trong việc chế tạo vũ khí tự động hóa, hệ thống giám sát công nghệ cao. Chính phủ Mỹ còn muốn kiểm soát kế hoạch bán công cụ tiên tiến của Mỹ cho các công ty bán dẫn Trung Quốc.
Nguồn tin của New York Times cho biết lệnh cấm còn hạn chế khả năng của các tổ chức nghiên cứu khoa học, công ty Internet như Alibaba và Tencent trong việc mua bộ phận cần thiết để xây dựng hệ thống tính toán hiệu suất cao. Bên cạnh quốc phòng, chúng được sử dụng cho nhiều mục đích như dự báo thời tiết, quản lý xã hội, giao thông...
Hạn chế của Mỹ có thể không tác động ngay đến các tổ chức và công ty Trung Quốc. Tuy nhiên khi hiệu suất siêu máy tính mạnh hơn theo thời gian, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cho nhiều lĩnh vực như sinh học, AI và quốc phòng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một trung tâm dữ liệu tại Hàng Châu (Trung Quốc). Ảnh: Getty Images. |
Chính quyền ông Biden cũng sẵn sàng công bố lệnh hành pháp mới, cho phép đánh giá chi tiết các khoản đầu tư của công ty Mỹ cho nước ngoài nhằm xác định rủi ro an ninh quốc gia, đồng thời cân nhắc lệnh cấm với Yangtze Memory Technologies Company (YMTC), hãng chip nhớ nổi tiếng của Trung Quốc.
Trong 1-2 tháng gần đây, các quan chức Mỹ được cho đã lo ngại về khả năng sản xuất chip nhớ của Trung Quốc. Dù không phải công nghệ mới nhất, chúng vẫn là thành phần quan trọng của hệ thống quốc phòng.
Do đó, quan chức Mỹ không muốn các hãng chip Trung Quốc dùng công nghệ của họ và các quốc gia đối tác để sản xuất chip. Họ cũng không muốn nhìn doanh nghiệp Trung Quốc trở thành các nhà cung ứng toàn cầu.
Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin liên quan. Phát ngôn viên Cục Công nghiệp và An ninh, thuộc Bộ Thương mại Mỹ cũng chưa xác nhận bất cứ thông tin vào lúc này.
Lệnh cấm ngày càng chặt chẽ
Chính phủ Mỹ đã tìm cách hạn chế cung cấp công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc trong nhiều năm, tuy nhiên thời điểm đó, đa số sản phẩm bán cho Trung Quốc được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, khiến các quy định không mang đến hiệu quả.
Từ thời ông Trump và Biden, đất nước này chuyển sang chiến lược cấm sản phẩm chứa công nghệ, máy móc hoặc phần mềm của Mỹ, khiến quy mô lệnh cấm rộng hơn. Ngay cả những con chip sản xuất bên ngoài nước Mỹ vẫn dùng thiết bị và phần mềm của Mỹ.
Thời gian gần đây, các biện pháp hạn chế xuất khẩu được áp đặt chặt chẽ hơn, trong lúc chính quyền Tổng thống Biden tăng cường đầu tư vào các nhà máy chip của Mỹ. Ngoài ra, việc Trung Quốc gây áp lực lên Đài Loan, nơi sản xuất nhiều con chip tiên tiến cũng là nguyên nhân khiến chính phủ Mỹ tăng cường lệnh cấm.
Mỹ đang muốn áp đặt lệnh cấm lên hãng chip nhớ YMTC của Trung Quốc. Ảnh: Handout. |
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tại Nhà Trắng, cho biết chính phủ Mỹ đã đi trước đối thủ vài thế hệ với những công nghệ quan trọng, tuy nhiên cách tiếp cận không đủ cứng rắn.
"Với bản chất nền tảng của một số công nghệ, bao gồm bảng mạch và chip nhớ tiên tiến, chúng tôi phải duy trì lượng công nghệ dẫn đầu càng nhiều càng tốt", ông Sullivan chia sẻ.
Vào tháng 9, chính phủ Mỹ đã áp đặt các hạn chế mới vào Trung Quốc và Nga, nhắm vào card đồ họa phục vụ đào tạo AI, được bán bởi các công ty như NVIDIA và AMD.
Nếu không có chip từ NVIDIA hay AMD, Reuters nhận định doanh nghiệp tại Trung Quốc sẽ không thể phát triển các công nghệ phức tạp như nhận diện hình ảnh, giọng nói bằng AI một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Trên smartphone hay máy tính, công nghệ này được dùng để tìm kiếm và gắn thẻ hình ảnh. Trong môi trường quân sự, AI có khả năng phân tích ảnh vệ tinh để dò tìm vũ khí, căn cứ hoặc lọc thông tin tình báo.