Từ 2021, Huawei đã chia sẻ nhiều mẫu thiết kế điện thoại thông minh của họ cho các đơn vị Trung Quốc khác sản xuất. Trước những áp lực từ cấm vận, nhiều chiếc smartphone cao cấp của công ty này bất ngờ xuất hiện dưới thương hiệu mới, mang tên TD Tech.
Nhà sản xuất TD Tech đã cho đặt trước mẫu điện thoại N8 Pro vào tháng 11/2021. Đây thực chất là chiếc Huawei Nova 8 Pro 5G đã được đổi tên. Hai sản phẩm có thiết kế, phần mềm, cấu hình hoàn toàn tương đồng. Khác biệt duy nhất nằm ở thương hiệu.
Mẫu TD Tech N8 Pro nhanh chóng bị xóa khỏi Vmall sau khi thu hút nhiều sự quan tâm. Điều đó cho thấy Huawei đã cấp phép thiết kế điện thoại cho các nhà sản xuất bên thứ ba. Cùng với việc bán điện thoại tân trang, SCMP nhận định Huawei tìm cách mở rộng doanh thu trong bối cảnh khó khăn do lệnh trừng phạt từ chính phủ Mỹ.
Huawei Mate 40, P50 xuất hiện dưới tên thương hiệu TD Tech. Ảnh: CNMO. |
Mới đây, TD Tech tiếp tục trình làng thêm một mẫu điện thoại mới trên trang chủ của họ. Thiết bị có tên TD Tech P50. Dễ thấy, đây chính là mẫu Huawei P50 được đổi tên. Điểm khác biệt giữa hai máy nằm ở kết nối mạng. Model từ TD Tech hỗ trợ kết nối 5G. Trong khi đó, tùy chọn này bị cắt trên điện thoại Huawei.
Ngoài ra, mẫu máy của TD Tech có một chút khác biệt phần mềm khi nó được cung cấp thêm các tính năng tùy chỉnh cho người dùng doanh nghiệp.
Còn lại, đây vẫn là một mẫu flagship với màn hình OLED 6,5 inch, hỗ trợ 10 bit màu và có 90 Hz. Máy sử dụng nền tảng Snapdragon 888, pin 4.100 mAh và hỗ trợ sạc nhanh 66 W. Hiện tại, TD Tech chưa công bố giá và hình thức phân phối. Tuy nhiên, Gizchina cho rằng số lượng bán ra không nhiều, giống như mẫu máy trước đó.
Mẫu flagship khác của Huawei là Mate 40 cũng được chuyển đổi sang cho TD Tech với mã hiệu M40. Chiếc máy có giá khoảng 535 USD và cũng nhanh chóng được rút khỏi các nền tảng bán lẻ khi bị chú ý.
Huawei đã phải đối phó với lệnh cấm vận của Mỹ từ năm 2019. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh smartphone của công ty. P50 series được dự kiến sẽ ra mắt vào nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên do lệnh cấm, chiếc smartphone này tới cuối năm ngoái mới xuất hiện và chỉ hỗ trợ mạng 4G.
Theo Reuters, Mỹ đã chấp thuận cho các doanh nghiệp trong nước cung cấp chip cho Huawei để sản xuất màn hình và cảm biến trên xe hơi. Những giấy phép được cấp sau khi Huawei chuyển hướng kinh doanh sang các loại sản phẩm ít chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm thương mại giữa Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, chính quyền đương nhiệm của ông Biden vẫn tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu những mặt hàng điện tử cho Huawei, đặc biệt là linh kiện phục vụ thiết bị 5G.
Sau khi tách khỏi Huawei, Honor trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Counterpoint. |
Bên cạnh việc bán thiết kế cho những công ty như TD Tech, Huawei vẫn tiếp tục tìm cách xoay xở với mảng di động bằng cách bán điện thoại được tân trang lại. Ngoài ra, công ty này cũng đã thanh lý thương hiệu con Honor với giá 15 tỷ USD. Điều này giúp nhà sản xuất này thoát khỏi lệnh cấm vận của Mỹ, được tiếp cận với công nghệ, linh kiện từ Qualcomm, Google.
Sau khi tách khỏi Huawei, Honor nhanh chóng phát triển, vươn lên trở thành thương hiệu di động số một Trung Quốc. Cụ thể, theo báo cáo của Counterpoint Research, thị phần của Honor tại quốc gia tỷ dân là 20%, đồng hạng với Vivo và xếp trên Oppo, Xiaomi, Apple.