Ngay sau khi nhậm chức, tức ngày 20/1, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp, cam kết đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Sau một tháng, Mỹ đã hoàn thành các thủ tục để chính thức tái gia nhập hiệp định này, Reuters đưa tin.
Giới khoa học và các nhà ngoại giao quốc tế đều hoan nghênh động thái của tân tổng thống.
Đặc phái viên về vấn đề khí hậu của Mỹ, ông John Kerry, sẽ tham gia các sự kiện trực tuyến để đánh dấu quyết định tái gia nhập hiệp định. Các đại sứ Mỹ tại Anh và Italy cùng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutterres cũng tham gia các sự kiện này.
Khi tranh cử, ông Joe Biden cam kết sẽ lập kế hoạch nhằm đưa khí thải của Mỹ về mức 0 vào năm 2050. Các nhà khoa học đánh giá đây là mục tiêu phù hợp với thực tiễn, đồng thời nhấn mạnh lượng khí thải toàn cầu cần giảm một nửa mức hiện tại vào năm 2030, nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một sự kiện. Ảnh: AP. |
Đặc phái viên John Kerry cùng cố vấn về vấn đề khí hậu của ông Biden, bà Gina McCarthy, đang soạn thảo các quy định và hướng dẫn, góp phần đẩy nhanh việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Đây là các giải pháp quan trọng, giúp Mỹ thực hiện mục tiêu giảm phát thải. Tổng thống Joe Biden dự kiến công bố các nội dung này trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu, dự kiến tổ chức tại Glasgow vào tháng 11.
Ông Biden còn ký hơn 10 sắc lệnh hành pháp liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên bang phối hợp chặt chẽ, đồng bộ.
Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng các hoạt động chống biến đổi khí hậu quá tốn kém. Hồi tháng 11/2020, Mỹ là quốc gia đầu tiên rút khỏi Hiệp định Paris, kể từ khi nó được 200 quốc gia cùng ký kết vào năm 2015.