Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích WHO quá phụ thuộc vào Trung Quốc, đe dọa ngừng đóng góp kinh phí giữa lúc cơ quan này đang đương đầu với đại dịch đến nay đã lây nhiễm cho hơn 1,5 triệu người trên toàn cầu.
Nói rõ hơn về tuyên bố của ông Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng WHO đã quá chậm trễ trong việc cảnh báo về về dịch Covid-19, quá nhún nhường trước Trung Quốc và chất vấn tại sao tổ chức này không nghe cảnh báo từ Đài Loan.
Mỹ "vô cùng lo lắng rằng thông tin của Đài Loan đã không được phổ biến cho cộng đồng quốc tế, nhưng có thể thấy qua tuyên bố ngày 14/1/2020 của WHO rằng không có dấu hiệu cho thấy (virus) lây truyền từ người sang người", một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói, theo AFP.
"WHO một lần nữa chọn chính trị thay vì sức khỏe cộng đồng", người phát ngôn nói, chỉ trích WHO vì từ chối cho Đài Loan gia nhập tổ chức, dù chỉ với tư cách quan sát viên, từ năm 2016.
Hành động của WHO "làm lãng phí thời gian và gây tổn thất nhân mạng", theo người phát ngôn Mỹ.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP. |
Đài Loan được nhìn nhận rộng rãi là thành công trong việc chống dịch khi đến nay mới chỉ có 5 người tử vong, dù gần gũi về địa lý và có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát dịch bệnh.
Giới chức Đài Loan đã cảnh báo WHO hôm 31/12 về việc virus lây từ người sang người, theo ông Trần Kiến Nhân, cấp phó của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn.
Ông Trần, người đồng thời là nhà dịch tễ học, người từng đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan, nói với Financial Times rằng các bác sĩ ở Đài Loan đã hay tin một số đồng nghiệp của họ ở Vũ Hán đang bị bệnh nhưng WHO đã không làm gì để xác nhận thông tin.
Bắc Kinh xem Đài Loan, hòn đảo tự trị từ năm 1949, là một tỉnh của Trung Quốc và sớm muộn sẽ thống nhất. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã tìm cách không cho Đài Loan gia nhập bất cứ tổ chức quốc tế nào.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong một phát biểu kêu gọi sự đoàn kết hôm 8/4, nói ông đã trở thành mục tiêu tấn công, bao gồm những lời lẽ mang tính phân biệt chủng tộc, từ khi dịch bệnh xảy ra.
Vị bác sĩ trở thành nhà ngoại giao người Ethiopia đã không đề cập đến Mỹ, nước chu cấp nhiều nhất cho WHO với hơn 400 triệu USD trong năm ngoái, nhưng đã nêu đích danh Đài Loan.
"Ba tháng trước, cuộc tấn công đến từ Đài Loan", ông Tedros nói với các phóng viên ở Geneva, Thụy Sĩ, đề cập đến những lời chỉ trích và phỉ báng trên mạng.
"Đài Loan, cũng như cơ quan đối ngoại của họ, biết chiến dịch này. Họ đã không đứng ngoài cuộc. Họ thậm chí còn bắt đầu chỉ trích tôi giữa lúc xuất hiện tất cả những lời phỉ báng nhục mạ đó, nhưng tôi không quan tâm", ông nói.
Phát biểu này đã gây ra sự giận dữ ở Đài Loan, nơi giới chức lên tiếng khẳng định những lời lẽ của ông Tedros là "vô căn cứ" và yêu cầu ông xin lỗi vì "vu khống".
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đeo khẩu trang chụp ảnh cùng binh sĩ ở Đài Nam hôm 9/4. Ảnh: AFP. |
Trong một bài đăng trên Facebook, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn mời ông Tedros đến Đài Loan và xem cách họ ứng phó với dịch bệnh, thách thức ông "chống lại áp lực từ Trung Quốc".
"Chúng tôi đã không được gia nhập các tổ chức quốc tế trong suốt nhiều năm và chúng tôi hiểu cảm giác bị phân biệt và bị cô lập hơn bất cứ ai khác", bà nói.
Bắc Kinh đáp trả cho rằng đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền tại Đài Loan đã cố gắng "thao túng chính trị" với WHO.
"Mục đích của họ là tìm cách độc lập thông qua đại dịch. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này và kế hoạch của họ sẽ không bao giờ thành công", một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.