Ngày 3/8, tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn khả tín cho biết chính quyền Obama đã bí mật không vận một khoản tiền mặt trị giá 400 triệu USD đến Iran vào ngày 17/1. Sự việc này trùng với thời điểm Iran phóng thích cho 4 công dân Mỹ từng bị quốc gia Hồi giáo bắt giữ.
Vào thời điểm tù binh được phóng thích, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Nhà Trắng hoan nghênh đây là một đột phá ngoại giao.
Tuy nhiên, thông tin mà báo WSJ đưa ra đã gây tranh cãi lớn ở chính trường Mỹ. Những nhân vật có ảnh hưởng ở phe Cộng hòa, như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và ứng viên tổng thống Donald Trump, đã tận dụng nó để chỉ trích chính quyền Obama vì cho rằng Nhà Trắng đã trả tiền để chuộc con tin.
Phóng viên Jason Rezaian của báo Washington Post là một trong số những công dân Mỹ bị Iran bắt và được thả tự do vào đầu năm 2016. Ảnh: Reuters
|
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói: "Nếu thông tin này được xác thực, thì nó khẳng định nghi vấn từ lâu của chúng tôi rằng chính phủ đã trả tiền chuộc để đổi lấy những công dân bị bắt vô cớ ở Iran. Điều này đánh dấu một chương trong những chuyện đang diễn ra, về việc lừa dối người Mỹ để 'bán' thỏa thuận hạt nhân nguy hiểm này".
Thời điểm trùng khớp của 2 sự kiện dễ khiến người ta nghi ngờ. Một số quan chức Mỹ cũng từng thừa nhận, Iran đòi tiền chuộc trong những cuộc đàm phán để phóng thích con tin.
Theo WSJ, báo chí Iran cũng dẫn lời một số quan chức quốc phòng cao cấp nước này nói khoản tiền trên được xem là tiền chuộc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran chưa đưa ra bình luận chính thức khi được WSJ đề nghị.
Trên thực tế, bản tin của WSJ chỉ nêu lên sự trùng khớp về thời điểm Mỹ chuyển số tiền cho Iran, đồng thời cũng nêu rõ khoản tiền là một phần trong nghĩa vụ mà Mỹ phải thực hiện sau phán quyết một vụ kiện kéo dài 35 năm ở tòa án quốc tế, chứ không liên quan đến các con tin.
Món nợ gần 40 năm
400 triệu USD là khoản đầu tiên mà Mỹ phải trả lại cho một đơn hàng vũ khí chưa bao giờ bàn giao cho Iran. Sự việc bắt đầu từ tháng 11/1979, thời điểm cuộc Cách mạng Iran diễn ra.
Khi đó, một nhóm tự xưng thuộc chính quyền cách mạng đã bắt 52 công dân Mỹ là con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Để đáp trả, Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với Iran và đóng băng tài sản của nước này tại Mỹ.
Washington cũng ngưng việc bàn giao những máy bay chiến đấu cho Iran, dù nước này đã thanh toán trước 400 triệu USD. Mỹ sẽ phải hoàn trả số tiền này vì không thực hiện giao vũ khí. Tuy nhiên, việc trừng phạt bằng cách đóng băng tài khoản của Iran cũng bao gồm số tiền 400 triệu USD.
Khủng hoảng con tin đã được giải quyết vào năm 1981, nhưng hội nghị khi đó không xử lý triệt để những vấn đề tồn đọng, bao gồm khoản tiền mà Iran cho rằng Mỹ đang mắc nợ.
Tehran đã đưa vấn đề ra một tòa án quốc tế ở The Hague nhằm phân xử vụ việc. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra vô cùng chậm. Cho đến khi ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ 2, tòa án vẫn chưa thể đưa ra phán quyết.
Ngoại trưởng John Kerry trao đổi với người đồng cấp Iran Javad Zarif sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 7/2015. Ảnh: WSJ
|
Mỹ chấp nhận thua
Mãi đến gần đây, chính phủ Mỹ đã kết luận họ sẽ thua trong vụ kiện này, và thua rất lớn vì Iran đòi thanh toán đến 10 tỷ USD bao gồm tiền lãi. "Giới chức Mỹ nhận thức tòa án có thể ra phán quyết vào bất kỳ thời điểm nào, và lo ngại số tiền phải trả sẽ cao hơn do lãi càng cao theo các năm", hãng AP nhận định.
Do vậy, chính quyền Obama quyết định tự dàn xếp với Iran về việc thanh toán nợ cũ. Điều trùng hợp là nó diễn ra cùng lúc với giai đoạn đàm phán thỏa thuận hạt nhân và việc Iran trả tự do cho 4 công dân Mỹ.
Đến tháng 1/2016, Mỹ và Iran đạt thỏa thuận là Mỹ sẽ phải thanh toán cho Iran 1,7 tỷ USD, và 400 triệu USD là đợt thanh toán đầu tiên.
Tuy nhiên, điều cần làm rõ là những nhà đàm phán trong thỏa thuận hạt nhân, nhà đàm phán trong việc giải phóng con tin, và nhóm làm việc trong vụ kiện là hoàn toàn khác nhau. Tương tự, thành viên trong đoàn đàm phán Iran ở những vấn đề khác riêng biệt đều khác nhau.
Trước việc báo chí Iran dẫn lời một số quan chức nước này cố tình gắn khoản tiền như tiền chuộc con tin, Vox cho rằng đây có thể là một "chiêu" của Tehran để nâng cao vị thế của họ trong nước và hạ thấp hình ảnh của Mỹ.