Không quân Mỹ vừa trao cho tập đoàn Lockheed Martin hợp đồng trị giá gần 3 tỷ USD để phát triển 3 vệ tinh hồng ngoại thế hệ mới. Các vệ tinh này sẽ được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh (GEO), một phần trong chương trình theo dõi hồng ngoại liên tục trên không thế hệ tiếp theo (OPIR).
Chương trình OPIR được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực cảnh báo sớm tên lửa cho Mỹ, cũng như chứng minh khả năng sống sót lớn hơn các đối thủ như Trung Quốc, Nga trên những hệ thống hiện có, Defence News đưa tin hôm 15/8.
“Việc tăng cường khả năng cảnh báo sớm sẽ hỗ trợ cho năng lực răn đe hạt nhân của chúng tôi”, Thomas Karako, thành viên cao cấp chương trình an ninh quốc tế, kiêm giám đốc dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế, nói với Business Insider.
Hệ thống OPIR sẽ thay thế cho các vệ tinh hồng ngoại trên không hiện có. Vệ tinh đầu tiên dự kiến phóng lên quỹ đạo vào năm 2023, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Kế hoạch mua sắm vệ tinh cảnh báo sớm mới được công bố lần đầu trong tháng 4.
Vệ tinh cảnh báo sớm hồng ngoại thế hệ mới đầu tiên sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2023. Ảnh minh họa: Lockheed Martin. |
Người đứng đầu bộ phận Không quân trong Lầu Năm Góc, bà Heather Wilson nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi tập trung vào việc cung cấp khả năng cảnh báo sớm tên lửa và có thể vẫn hữu ích trong môi trường nhiều tranh chấp giữa những năm 2020”.
Các cuộc thảo luận về khả năng duy trì phục vụ của vệ tinh được cho đã tập trung vào Trung Quốc và Nga, những quốc gia đang phát triển vũ khí không gian, theo Military.com.
Theo nhà phân tích Thomas Karako, vệ tinh hồng ngoại có khả năng phát hiện nhiệt tạo ra từ động cơ tên lửa khi chúng được kích hoạt, vì vậy nó cảnh báo sớm về một vụ phóng tên lửa. Điều này rất quan trọng từ quan điểm chỉ huy ở cấp độ quốc gia, vì "trong một ngày tồi tệ nào đó", Mỹ có thể nhận được cảnh báo như vậy và đó là thời điểm cần đánh chặn.
Minh họa chu kỳ quay của vệ tinh ở quỹ đạo GEO so với trái đất. Đồ họa: Francisco Esquembre. |
Ông Karako giải thích thêm, có 3 yếu tố chính trong quy trình phòng thủ tên lửa. Đầu tiên là cảnh báo sớm, tiếp đến theo dõi và cuối cùng là xác định mục tiêu. Trong quy trình này thì cảnh báo sớm đóng vai trò quan trọng cho hai giai đoạn tiếp theo.
Không quân Mỹ đang vận hành 77 vệ tinh phục vụ cho an ninh quốc gia trong các vai trò thông tin liên lạc, chỉ huy, kiểm soát, cảnh báo sớm tên lửa và phát hiện vụ nổ hạt nhân. Tướng John Hyten, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, nhấn mạnh sự cần thiết của mạng lưới cảm biến mạnh mẽ trong không gian để tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa đối phó Trung Quốc và Nga.
Quỹ đạo địa tĩnh (GEO) là quỹ đạo có độ cao cách mặt đất khoảng 36.000 km, tính từ đường xích đạo. Một vệ tinh ở quỹ đạo GEO có chu kỳ quay quanh trái đất 23 giờ 56 phút, tương đương với chu kỳ của trái đất quay quanh mặt trời. Ưu điểm của vệ tinh ở quỹ đạo GEO là nó có khả năng theo dõi một vị trí cố định trên mặt đất. Điều đó lý giải tại sao các vệ tinh cảnh báo sớm đều được triển khai ở quỹ đạo này.