Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đẩy mạnh kế hoạch bí mật nhằm phá hoại chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, theo các quan chức chính quyền đương nhiệm cũng như đã nghỉ việc. Họ mô tả đây là một phần trong chiến dịch mở rộng của Mỹ nhằm làm giảm sức mạnh quân đội Iran và cô lập kinh tế.
Theo New York Times, các quan chức cho biết không thể xác định mức độ thành công của chương trình, điều chưa bao giờ được công khai và thừa nhận. Nhưng chỉ trong tháng qua, hai nỗ lực phóng vệ tinh của Iran đều thất bại chỉ sau vài phút.
Hai sự cố đó, một vụ diễn ra vào ngày 15/1 và một vụ vào ngày 5/2, là một phần trong nỗ lực kéo dài 11 năm. Tính đến nay, 67% các vụ phóng lên không gian của Iran thất bại, một con số cao đến kinh ngạc so với tỷ lệ thất bại 5% trên toàn thế giới đối với các vụ phóng tương tự.
Tuy vậy, thất bại không ngăn được Iran. Tuần này, Tổng thống Hassan Rouhani đã chọn ra một số tên lửa của Tehran khi ông tuyên bố sẽ tiếp tục con đường tăng cường sức mạnh quân sự.
Có hay không sự phá hoại?
Trước những thất bại liên tiếp của Iran, New York Times đã tìm đến gần 10 quan chức chính phủ Mỹ hiện tại và trước đây, những người đã làm việc trong các chương trình phá hoại của Washington nhiều năm qua. Họ nói với điều kiện giấu tên vì không được phép thảo luận công khai về những chương trình bí mật.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tham quan triển lãm thành tựu công nghiệp hàng không vũ trụ Iran vào năm 2017. Ảnh: AP. |
Một số quan chức mô tả nỗ lực sâu rộng được tạo ra dưới thời Tổng thống George W. Bush nhằm đưa các linh kiện bị lỗi vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ của Iran. Chương trình này đã phát huy tác dụng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, nhưng đã giảm bớt vào năm 2017, khi ông Mike Pompeo tiếp quản vị trí giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và đưa ra chiến lược mới.
Tehran đã nghi ngờ. Trước khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, người đứng đầu chương trình tên lửa của Iran, đã cáo buộc các cơ quan tình báo nước ngoài tìm cách phá hoại chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
“Họ muốn lặp lại việc phá hoại chương trình tên lửa, tương tự như điều họ đã làm với hạt nhân”, chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh nói với truyền hình Iran vào năm 2016. Ông tuyên bố rằng chương trình sẽ không bao giờ dừng lại trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
CIA từ chối bình luận về vụ việc. Thậm chí các quan chức chính phủ còn yêu cầu New York Times giữ lại một số chi tiết về báo cáo của họ, chủ yếu là danh tính các nhà cung cấp cho chương trình tên lửa của Iran, vì nỗ lực phá hoại vẫn đang tiếp tục.
Thực tế có rất nhiều yếu tố tác động đến sự thành công của một vụ phóng vệ tinh, từ điều kiện thời tiết, kỹ thuật, cũng như các hạn chế trong công nghệ của Iran. Một số chuyên gia hàng không cảnh báo thất bại cũng có thể là kết quả của những sự cố thông thường.
Tuy nhiên, việc tỷ lệ thất bại trong các vụ phóng gia tăng có thể là bằng chứng cho những nỗ lực phá hoại từ bên ngoài. Các hoạt động bí mật nhằm phá hoại chương trình tên lửa Iran có thể được thực hiện thông qua các quốc gia và công ty cung cấp linh kiện cho Iran. Đức, Pháp cùng với Mỹ đã kêu gọi tìm cách chống lại chương trình tên lửa của Iran.
Ngăn cản Iran bằng mọi giá
Rất lâu trước khi Iran nghiêm túc về việc sản xuất vật liệu hạt nhân cho một chương trình vũ khí tương lai, Tehran đã tìm cách sở hữu các tên lửa mạnh. Tên lửa là nổi sợ hãi lâu dài của Iran đối với Iraq. Những năm 1980, lực lượng quân đội của Saddam Hussein đã bắn hàng loạt tên lửa đạn đạo vào các thành phố của Iran.
Các tên lửa tầm xa của Iran được trưng bày trong lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo. Ảnh: New York Times. |
Hàng trăm thường dân đã thiệt mạng. Iran đáp trả bằng tên lửa do Liên Xô sản xuất mà họ có được từ Libya và Triều Tiên. Đến những năm 1990, Iran đã nhập khẩu một số tên lửa No Dong của Triều Tiên và đổi tên thành Shahab-3. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 1.200 km, đủ xa để tấn công Israel.
Động cơ mạnh mẽ của tên lửa No Dong đã trở thành giai đoạn một cho hầu hết tên lửa tầm xa và tên lửa đẩy phục vụ cho việc phóng vệ tinh của Iran.
Sau cuộc tấn công Iraq do Mỹ dẫn đầu vào năm 2003, Washington và các đồng minh đã tăng cường các nỗ lực ngăn chặn tham vọng hạt nhân và tên lửa của Tehran. Đến năm 2006, Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc yêu cầu Iran ngưng làm giàu uranium, vật liệu chính cho vũ khí hạt nhân, nhưng Tehran đã từ chối
Điều đó đã dẫn đến các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu linh kiện, vật liệu và công nghệ cho chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Dưới thời Tổng thống Bush "con", hai chương trình bí mật chống lại Iran đã được thực hiện cùng lúc. Một chương trình tập trung vào vật liệu hạt nhân, chương trình còn lại nhắm vào tên lửa.
CIA với sự trợ giúp của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã tìm mọi cách để phá hoại các nhà máy, chuỗi cung ứng và bệ phóng. Theo các quan chức, việc phá hoại có thể thực hiện bằng một thay đổi rất nhỏ trong thiết kế của một van quan trọng, can thiệp vào một bộ phận nhỏ trong động cơ, hệ thống dẫn đường, hoặc tạo ra một vùng kim loại bị lỗi trên ống phóng, vốn rất quan trọng cho sự ổn định khí động học.
Đối với Iran, khi Liên Hợp Quốc tăng cường các lệnh trừng phạt, Tehran buộc phải phụ thuộc vào thị trường chợ đen và những người trung gian mờ ám, những mục tiêu mà CIA rất dễ xâm nhập, theo 2 quan chức.Về tổng thể, sự thất bại của các vụ phóng thử sẽ khiến Iran ngần ngại trong việc sản xuất hàng loạt.
Iran bưng bít các thất bại
Có thể mất nhiều năm để xâm nhập vào chương trình hàng không vũ trụ của nước ngoài với các linh kiện và bộ phận bị lỗi. Thông thường rất khó xác định linh kiện lỗi có được lắp đặt trong tên lửa cụ thể hay không. Trong một số trường hợp, Mỹ đã may mắn, một tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Iran đã rơi xuống Baghdad, Iraq, nhưng không phát nổ.
Các thử nghiệm đối với tên lửa đẩy tầm xa thế hệ mới Simorgh liên tiếp gặp thất bại. Ảnh: AP. |
Khi các chuyên gia tháo tên lửa ra, họ tìm thấy bộ phận bị phá hoại của Mỹ bên trong, theo một cựu quan chức cấp cao. Shea Cotton, một người theo dõi các vụ phóng tên lửa của Iran, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin có trụ sở tại bang California, cho biết Iran đã che giấu các thất bại và phóng đại sự thành công.
Ít nhất một tên lửa đẩy của Iran đã phát nổ ngay trên bệ phóng vào năm 2012, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tehran đã im lặng về thảm họa đó.
Đến nay, Iran dường như đã thất bại trong việc thử nghiệm tên lửa đẩy mới được gọi là Simorgh hoặc Phoenix. Tên lửa đẩy này dài khoảng 27 m, đã thực hiện vụ phóng thử nghiệm đầu tiên vào tháng 4/2016, nhưng không có vệ tinh nào được đưa vào quỹ đạo.
Tháng 7/2017, một tên lửa đẩy Simorgh được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Imam Khomeini, một khu phức hợp ở phía đông Tehran. Tên lửa được cho là đã phát nổ ở giai đoạn hai, nhưng Iran vẫn tuyên bố vụ phóng thành công.
Vào đầu tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo Iran về việc phóng tên lửa đẩy Simorgh. Trong vụ phóng thử vào ngày 15/1, các quan chức Iran tuyên bố tên lửa đã thất bại ở giai đoạn ba. “Đôi khi cuộc sống không như mong đợi”, Bộ trưởng Viễn thông Iran Mohammad Javad Azari Jahromi viết trên Twitter sau thất bại.
Một số chuyên gia cho rằng tỷ lệ thành công thấp trong các vụ phóng không gian của Iran xuất phát từ lệnh cấm vận khiến nước này khó tiếp cận công nghệ tin cậy. Tehran đang tìm cách phát triển tên lửa nhiên liệu rắn nhằm giảm tỷ lệ thất bại trong các vụ phóng.