Iran vừa công bố tên lửa đạn đạo tầm ngắn thế hệ tiếp theo vào hôm nay và tuyên bố vũ khí mới sẽ tăng cường năng lực quân sự đất nước.
Truyền hình nhà nước Iran IRIB cho biết tên lửa mới được gọi là Fateh Mobin đã vượt qua các bài thử nghiệm và có thể tấn công mục tiêu trên đất liền lẫn trên biển. “Như đã hứa với người dân thân yêu, chúng ta sẽ dành mọi nỗ lực để tăng cường khả năng tên lửa của đất nước và chắc chắn chúng ta sẽ tăng sức mạnh tên lửa mỗi ngày”, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami nói.
Bộ trưởng Hatami cho biết thêm không có gì có thể ngăn chặn tên lửa này vì tính linh hoạt cao của nó. Phiên bản Fateh Mobin được sản xuất 100% trong nước với khả năng cơ động cao, tàng hình và hệ thống dẫn hướng chính xác.
Thông số kỹ thuật của tên lửa không được công bố. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, dựa vào các phiên bản trước đó của tên lửa Fateh, tầm bắn của phiên bản mới dao động từ 200-300 km.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 rời bệ phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: YPA. |
Tuần trước, các quan chức Mỹ nói với Fox News rằng một tên lửa Fateh-110 đã được Iran bắn thử trong một cuộc tập trận gần eo biển Hormuz. Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả cuộc tập trận được thiết kế để gửi đi một thông điệp, theo sau lời đe dọa từ Iran rằng họ có thể đóng cửa đường vận tải biển quan trọng qua eo biển Hormuz, nhằm đáp trả lệnh trừng phạt mới.
Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 ký kết với Iran và các cường quốc thế giới trong tháng 5. Điều này dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ của Iran và các nước châu Âu.
Chương trình tên lửa của Iran được xem là mấu chốt dẫn đến việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015. Các đồng minh của Mỹ trong khu vực vịnh Ba Tư coi chương trình tên lửa của Iran là mối đe dọa lớn, đặc biệt là Israel.
Nhưng đối với Tehran, chương trình tên lửa là vũ khí cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc gia dưới sức ép của phương Tây. Iran đã phát triển nhiều loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ vài trăm đến hàng nghìn kilomet, bao phủ toàn bộ khu vực Trung Đông.