Tuần trước, Đại sứ quán Saudi Arabia ở Washington đã công bố tài liệu dài 9 trang về sự hỗ trợ của Iran đối với phiến quân Houthi ở Yemen. Đặc biệt, tài liệu cung cấp bằng chứng về việc Iran cung cấp tên lửa phòng không Sayyad-2C, loại vũ khí có thể là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều chiến đấu cơ của Saudi Arabia bị bắn hạ, Business Insider cho biết.
Saudi Arabia đã công bố hình ảnh về tên lửa Sayyad-2C do quân đội nước này thu được từ phiến quân Houthi. Liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã chặn một lô tên lửa Sayyad-2 buôn lậu vào Yemen.
Nguồn gốc là tên lửa của Mỹ
Sayyad-2 là loại tên lửa phòng không do công nghiệp quốc phòng Iran sản xuất từ năm 2013. Tên lửa này có chiều dài 5 m, đường kính 0,34 m. Nó có thể đạt tầm bắn từ 80-150 km, tầm cao tối đa khoảng 30 km, mang theo đầu đạn liều nổ cao.
Từ hình ảnh của Sayyad-2, các chuyên gia kết luận nó là một phiên bản cải tiến hoặc được thiết kế dựa trên tên lửa hải đối không SM-1 (RIM-66) mà Mỹ đã chuyển giao cho Hải quân Iran cuối những năm 1970. Những tên lửa này được bắn từ ray phóng nghiêng trên các tàu chiến của Iran.
Những năm gần đây, Iran đã cải tiến thành công tên lửa SM-1 bắn trên mặt đất từ hộp phóng được gọi là Talash. Ngoài ra, Iran đã phát triển phiên bản Sayyad-3 tầm bắn xa và cao hơn.
Tên lửa phòng không Sayyad chưa lắp đầu đạn và cánh ổn định do quân đội Saudi Arabia thu được. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ ở Saudi Arabia. |
Vì sao nó là vấn đề?
Chưa có bằng chứng nào về việc phiến quân Houthi từng bắn tên lửa phòng không này vào các chiến đấu cơ của liên quân. Người ta cũng chưa thể xác định số lượng tên lửa Sayyad mà phiến quân đang sở hữu. Tuy nhiên, bằng chứng về sự xuất hiện của tên lửa này trong tay phiến quân Houthi là nguy cơ lớn đối với các máy bay chiến đấu của liên quân.
Từ khi Saudi Arabia dẫn đầu liên quân tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự vào Yemen từ năm 2015, 5 máy bay chiến đấu, 12 trực thăng đã bị bắn hạ, trong đó, Saudi Arabia tổn thất 3 máy bay, 9 trực thăng, Bahrain và Jordan mỗi nước tổn thất một chiếc F-16, UAE mất 3 trực thăng.
Tên lửa đạn đạo Qiam-1 mà quân đội Mỹ thu giữ từ phiến quân Houthi. Ảnh: Reuters. |
Thống kê trên cho thấy phiến quân Houthi sở hữu lực lượng phòng không khá mạnh và số lượng máy bay bị bắn hạ có thể tiếp tục tăng. Ngoài ra, Iran cũng được cho là đã hỗ trợ tên lửa đạn đạo Burkan-2H (một bản sao của Qiam-1 do Iran chế tạo) cho phiến quân.
Việc sở hữu tên lửa đạn đạo cho phép phiến quân Houthi thực hiện cuộc tấn công cao cấp vào lãnh thổ Saudi Arabia. Gần đây nhất, phiến quân đã bắn loạt 7 tên lửa đạn đạo vào Saudi Arabia. Hệ thống đánh chặn Patriot do Mỹ cung cấp cho Saudi Arabia dường như đã thất bại và lao xuống đất khiến một người thiệt mạng và 2 người bị thương.
Tuy nhiên, Washington không đề cập rõ ràng về việc chuyển giao tên lửa phòng không hoặc những nguy cơ tiềm ẩn của nó. Bộ Ngoại giao Mỹ lên án các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhưng không đề cập đến vai trò của Iran trong sự gia tăng sức mạnh của phiến quân.
Trong cuộc họp báo vào cuối tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ nhắc đến Iran 2 lần liên quan đến cuộc xung đột ở Yemen. Đến ngày 31/3, Nhà Trắng mới ra thông báo chính thức về việc kiểm soát vai trò của Iran đối với cuộc xung đột ở Yemen và sự gia tăng sức mạnh của phiến quân Houthi.
Tình hình nội chiến tại Yemen tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Sự hỗ trợ của liên quân đối với quân đội chính phủ Yemen không giúp họ cải thiện được tình hình. Trong khi đó, năng lực chiến đấu của phiến quân Houthi ngày càng tăng. Sự đa dạng về các loại vũ khí mà Houthi sở hữu làm giảm triển vọng đàm phán thành công và khuyến khích Houthi tiếp tục chiến đấu.