Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mỹ cần ASEAN để hiện thực hóa tái cân bằng'

Đây là nhận định của Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao trong cuộc trao đổi với Zing.vn về kết quả Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN.

- Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN vừa diễn ra ở Sunnylands, California dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nó phản ánh gì về vai trò của ASEAN trên trường quốc tế?

- Hội nghị đặc biệt cho thấy vị thế ngày càng tăng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong quan hệ quốc tế. Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên nắm quyền năm 2009, ông chủ Nhà Trắng đã thúc đẩy quan hệ với ASEAN. Đây cũng là thời điểm Mỹ thực hiện chính sách xoay trục và tái cân bằng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nó khiến ASEAN nổi lên thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác như Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ....

Sau 2 nhiệm kỳ thực hiện chính sách tái cân bằng, hiện nay, Mỹ rất cần ASEAN để tiếp tục thực hiện mục tiêu. Thứ nhất là về kinh tế, thương mại. ASEAN là thị trường năng động với hơn 600 triệu dân. Thứ hai là về an ninh, chính trị. Việc hợp tác với ASEAN sẽ góp phần nâng cao các công cụ luật pháp chuẩn mực trong khu vực và trên thế giới. Thứ ba, Mỹ và ASEAN đều là những đối tác hàng đầu trong khu vực. Hầu hết các cuộc gặp cấp cao do ASEAN tổ chức đều có sự tham dự của các nước lớn. Việc phát triển và nâng cấp quan hệ Mỹ - ASEAN có lợi cho cả 2 phía và nâng tầm vị thế ASEAN trên toàn cầu.

- Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ không lâu sau cuộc gặp với lãnh đạo các nước Đông Nam Á tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên của ASEAN ở Malaysia nói nên điều gì?

Tiến sĩ Trần Việt Thái,

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao

. Ảnh: Duy Hiếu

- Theo tôi, động thái này có rất nhiều ý nghĩa. Trong tháng 11/2015, Mỹ và ASEAN đã đưa ra tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược. Chỉ 3 tháng sau, hai bên tiếp tục có hội nghị cấp cao đặc biệt do đích thân tổng thống Mỹ mời lãnh đạo các nước Đông Nam Á. Hai cuộc gặp cấp cao diễn ra gần sát nhau cho thấy đôi bên cùng có nguyện vọng, nhu cầu thúc đẩy quan hệ ASEAN - Mỹ đi vào thực chất. Nó cũng phản ánh sự gần gũi trong quan hệ đôi bên.

Cách tổ chức Hội nghị cấp cao của Mỹ cũng có nhiều ẩn ý. Thay vì diễn ra ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama chọn khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở California làm nơi gặp gỡ lãnh đạo các nước ASEAN, tạo không khí thoải mái, cởi mở, thân thiện, phản ánh sự gần gũi trong quan hệ ASEAN và Mỹ cũng như sự tương đồng lợi ích đôi bên. Nó cũng phản ánh những gửi gắm cá nhân của ông Obama vào quan hệ ASEAN - Mỹ.

- Theo ông, đâu là hiệu quả tức thời của Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN?

- Có thể nói quan hệ ASEAN - Mỹ đã chuyển sang giai đoạn mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn, vì lợi ích đôi bên, vì hòa bình, ổn định trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, nó đặc biệt có lợi cho ASEAN. Mỹ sẽ thúc đẩy các đối tác khác của ASEAN thực hiện những điều tương tự. Nó đưa ASEAN vào vị thế thuận lợi trong quan hệ đối ngoại giữa các nước.

- Biển Đông là vấn đề nóng bỏng trong khu vực Đông Nam Á và tác động trực tiếp tới chính sách chuyển trục sang châu Á của Mỹ. Washington sẽ làm gì trong thời gian tới?

- Về mặt tuyên bố, rõ ràng Mỹ đang cho thấy sự mạnh mẽ. Washington không chỉ bày tỏ quan ngại mà thực sự mong muốn Biển Đông là khu vực ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không. Vấn đề Biển Đông được thảo luận trong hội nghị cấp cao lần này mang nghĩa rộng. Ngoài việc trao đổi về vấn đề tranh chấp trên biển, các bên còn thảo luận về hợp tác bảo vệ môi trường biển, phát triển nghề cá bền vững hay thực thi pháp luật trên biển....

Không nên kỳ vọng Mỹ sẽ có ngay những hành động tạo ra đột biến trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông mà là cam kết lâu dài về mặt chính trị. Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Đây là những điều có lợi lâu dài.

- Quan hệ kinh tế, trong đó có TPP, giữ vai trò gì trong chính sách chuyển trọng tâm của Mỹ?

TPP là công cụ đặc biệt quan trọng trong chính sách tái cân bằng của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thứ nhất, TPP đặt ra những tiêu chuẩn rất cao về thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác nhau có liên quan đến thương mại. Nó sẽ trở thành công cụ định hình luật chơi, nêu cao vai trò và vị thế của Mỹ không chỉ ở Đông Nam Á mà toàn bộ châu Á – Thái Bình Dương. Điều này tạo ra những chuyển dịch về đầu tư, thương mại, có lợi cho cả Mỹ và các nước trong khu vực.

Với những tiêu chuẩn chất lượng cao, TPP sẽ trở thành hình mẫu để các nước khác cùng mở cửa thị trường, cùng thúc đẩy thương mại, đầu tư và trở thành động lực quan trọng để duy trì sự phát triển năng động của châu Á – Thái Bình Dương cũng như lợi ích của Mỹ trong khu vực. Nó cũng tạo ra sự đan xen lợi ích giữa các bên, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và tạo tiếng nói chung đồng thuận hơn giữa các nước.

- Khủng bố bắt đầu lan tới Đông Nam Á trong khi Mỹ luôn là mục tiêu lớn nhất. Hợp tác Mỹ - ASEAN liệu có thể gây tác động tới cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu?

- Trong các thách thức an ninh phi truyền thống mà Mỹ và các nước ASEAN cùng bàn thảo trong Hội nghị đặc biệt tại Sunnylands, chống khủng bố là nội dung quan trọng trong hợp tác an ninh. Sau chuỗi vụ tấn công ở thủ đô Jakarta, Indonesia, có thể thấy Đông Nam Á nổi lên như một trọng điểm mới của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là ở các quốc gia có nhiều người Hồi giáo.

Tới đây, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp hành động cũng như hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật và phòng chống tội phạm để ngăn chặn tốt hơn các âm mưu khủng bố của các tổ chức cực đoan.

Obama muốn tránh phân tâm từ cuộc đua vào Nhà Trắng

Trao đổi với Zing.vn, ông Murray Hiebert, phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, cho biết, vị thế của ASEAN đang thực sự được nâng cao trên trường quốc tế. Cộng đồng quốc tế sẽ đề cao vai trò của tổ chức này trong các vấn đề toàn cầu như chống khủng bố, ngăn chặn dịch bệnh hay thậm chí là các mối đe dọa từ tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.

“ASEAN là trọng tâm trong chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á trong những năm gần đây. Hội nghị cấp cao mà Tổng thống Obama vừa chủ trì chính là nỗ lực để thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - ASEAN tiến lên phía trước. Tuy nhiên, các cuộc gặp tương tự phụ thuộc vào quyết định của tổng thống tiếp theo của Mỹ”, ông Hiebert nói.

Về việc Tổng thống Barack Obama tổ chức Hội nghị cấp cao ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Malaysia trong tháng 11/2015, ông Hiebert cho rằng Tổng thống Mỹ muốn tránh sự phân tâm từ cuộc đua vào Nhà Trắng. Tổng thống Obama sẽ không thể toàn tâm tổ chức hội nghị khi cuộc đua vị trí quyền lực nhất nước Mỹ bước vào hồi gay cấn.

Trong ngày thứ 2 của Hội nghị, các bên dành nhiều thời gian cho vấn đề Biển Đông. Phía Mỹ cũng đã tỏ rõ quan điểm nhằm đảm bảo tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp và không sử dụng vũ lực để giải quyết bất đồng trên biển. Washington cũng đang nỗ lực để tăng cường hiểu biết trên lĩnh vực hàng hải giữa các nước ASEAN. Tránh đụng độ quân sự với Trung Quốc là chính sách khôn ngoan nhất để Mỹ làm theo, Hiebert khẳng định.

Ông Hiebert cũng cho rằng TPP là yếu tố quan trọng với Mỹ trong nỗ lực tái cân bằng ở châu Á vì nó củng cố hợp tác kinh tế giữa Mỹ và các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, châu Á có vai trò quan trọng với Mỹ vì đây là một trong những khu vực hiếm hoi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, dù bị ảnh hưởng bởi suy thoái Trung Quốc.

Đối với việc ngăn chặn khủng bố, ông Hiebert cho rằng hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước là cực kỳ quan trọng. Nó giúp ngăn chặn từ xa các vụ tấn công khủng bố ở những khu vực có thể có những chiến binh cực đoan hồi hương sau khi đầu quân cho khủng bố ở Iraq và Syria.

Xoay trục là lợi ích sống còn của Mỹ

Trao đổi nhanh với Zing.vn, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an, cho biết, cuộc gặp giữa lãnh đạo các nước ASEAN và Mỹ ở Sunnylands là tín hiệu tích cực. Nó cho thấy đôi bên có những mục tiêu chung về chính trị, kinh tế, an ninh cũng như duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, yếu tố mang lại lợi ích cho cả thế giới. Cuộc gặp ở Sunnylands là thành tựu ngoại giao của cả ASEAN và Mỹ, được phần lớn thế giới đón nhận với tinh thần hoan nghênh, ủng hộ.

Về vai trò của ASEAN trong chính sách xoay trục của Mỹ, Tướng Cương cho rằng Mỹ nhận thấy vai trò của châu Á – Thái Bình Dương sau nhiều năm sa lầy ở Trung Đông. Việc xoay trục là lợi ích sống còn của Mỹ nhưng trở ngại không nhỏ với Washington là Trung Quốc. Trong khi đó, ASEAN có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng.

“Có thể nói cả Mỹ và Trung Quốc đều đang lôi kéo ASEAN. Nếu ASEAN ngả hẳn về phía Mỹ, Trung Quốc sẽ bị bao vây. Nhưng ngược lại, Mỹ coi như mất chỗ đứng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu không thể lôi kéo ASEAN về phía mình hoặc đảm bảo khu vực này giữ vị trí trung lập, chiến lược xoay trục của Mỹ không thể thành công”, Tướng Cương nhấn mạnh.

Hội nghị Mỹ - ASEAN ngày 2 tập trung vào vấn đề Biển Đông

Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung thảo luận về vấn đề Biển Đông trong phiên họp thứ hai của hội nghị ngày 17/2.

Sunnylands: Dấu ấn nào cho Tái cân bằng?

Thách thức của thượng đỉnh Sunnylands với Mỹ là khẳng định dấu ấn của Tái cân bằng, chiến lược ngoại giao chính của Obama cho châu Á-Thái Bình Dương trong hai nhiệm kỳ tổng thống.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm