Tháng 3/2018, trong phòng họp lớn tại câu lạc bộ Sphinx ở Washington, các giám đốc điều hành trong ngành hàng không vũ trụ, công nghiệp quốc phòng chờ đợi để nghe bài diễn thuyết của Michael D. Griffin, người vài tuần trước đó được bộ trưởng Quốc phòng James Mattis bổ nhiệm làm trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật.
Theo New York Times, Griffin điều hành công việc có ngân sách hàng năm khoảng 17 tỷ USD. Những người tham dự rất mong chờ được nghe ông nói về kế hoạch sắp tới. Griffin người được biết đến là người luôn bảo vệ uy quyền quân sự và chính trị của Mỹ. Ông có bằng tiến sĩ về kỹ thuật hàng không vũ trụ.
Mỹ quyết vượt Nga và Trung Quốc
Ông Griffin cũng được biết đến là người lạc quan trong khoa học, thường xuyên kêu gọi đổi mới, đột phá. Trong những thập niên trước, những người tiền nhiệm của ông Griffin tập trung nghiên cứu sự tương tác giữa con người và máy tính, liên lạc không gian và tác chiến dưới nước.
Nhưng ông Griffin đang báo hiệu sự thay đổi quan trọng. Ông đã đề cập đến một loại vũ khí mới mang tính cách mạng, một loại vũ khí có khả năng cơ động chưa từng có và tấn công hầu hết mục tiêu trên thế giới chỉ trong vài phút.
Vũ khí mới có khả năng di chuyển với tốc độ gấp 15 lần vận tốc âm thanh: tên lửa siêu thanh. Vũ khí này gần như không thể đánh chặn. Tên lửa siêu thanh không chỉ được phát triển bởi Mỹ mà còn ở Trung Quốc, Nga và các nước khác.
Mẫu thử nghiệm tên lửa siêu thanh X-51 của Mỹ lắp dưới cánh máy bay ném bom chiến lược B-52. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Năm 2018, Quốc hội Mỹ tỏ ra đồng thuận trong đạo luật yêu cầu phát triển vũ khí siêu thanh và đưa vào hoạt động từ năm 2022. Năm nay, ngân sách quốc phòng đề xuất của chính quyền Tổng thống Donald Trump dành 2,6 tỷ USD cho vũ khí siêu thanh.
Các chuyên gia nhận định ngân sách dành cho vũ khí này sẽ tăng lên 5 tỷ USD trong những năm tới, trước mắt là tạo ra 2 hệ thống vũ khí siêu thanh có thể triển khai trong vòng 3 năm.
Các nhà thầu quốc phòng cũng hưởng ứng nhiệt tình kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh, đặc biệt là tập đoàn Lockheed Martin. Tập đoàn này đã chi hơn 1,4 tỷ USD để phát triển nguyên mẫu tên lửa siêu thanh có thể phóng từ máy bay chiến đấu và máy bay ném bom.
Một trong hai nguyên mẫu vũ khí siêu thanh đang phát triển tại Mỹ có tốc độ từ Mach 15-Mach 20 (khoảng 18.346 km/h). Về mặt lý thuyết, tàu ngầm, máy bay của Mỹ đóng quân ở đảo Guam có thể tấn công các vị trí sâu thuộc lục địa Trung Quốc trong chưa đầy 15 phút.
Bên cạnh phát triển vũ khí, ông Griffin đã thành lập một cơ quan phát triển không gian gồm 225 người. Nhiệm vụ của họ là xây dựng mạng lưới cảm biến trong không gian có thể theo dõi các tên lửa siêu thanh và các cuộc tấn công vào nước Mỹ.
Hầm gió dùng để thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Dù vậy, dự án của Mỹ vẫn chỉ ở bước thử nghiệm. Trong khi đó, Nga đã đưa vào sử dụng tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal, trang bị cho tiêm kích đánh chặn MiG-31.
Ông Griffin tự tin với sự đầu tư của chính quyền cùng chiến lược hợp lý, Mỹ sẽ sớm vượt qua Nga và Trung Quốc để lấy lại vị thế dẫn đầu.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Nguy cơ tiềm tàng của vũ khí siêu thanh là chúng có thể phá vỡ các nỗ lực để tránh xảy ra xung đột tình cờ, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng.
Hiện tại không có thỏa thuận quốc tế nào về cách thức hoặc thời điểm tên lửa siêu thanh có thể được sử dụng. Vấn đề đáng báo động hơn là không có kế hoạch nào giữa các quốc gia để bắt đầu thảo luận về nguy cơ của vũ khí siêu thanh.
Thay vào đó, việc nhanh chóng có được vũ khí với tốc độ và khả năng cơ động đáng kinh ngạc đã đẩy Mỹ vào một cuộc chạy đua vũ trang mới với Nga và Trung Quốc. New York Times nhận định cuộc chạy đua này có thể khiến thế giới rơi vào Chiến tranh Lạnh 2.0.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga lắp dưới bụng tiêm kích đánh chặn MiG-31. Ảnh: Sputnik. |
Các tên lửa siêu thanh về mặt lý thuyết có thể mang đầu đạn hạt nhân, nhưng loại mà Mỹ đang phát triển chỉ có thể mang đầu đạn thông thường với lượng thuốc nổ nhỏ. Tên lửa siêu thanh dựa vào va chạm ở tốc độ rất cao để công phá mục tiêu. Động năng sinh ra từ vụ va chạm ở tốc độ hơn 2.000 km/h có thể xuyên thủng mọi vật liệu với sức mạnh tương đương 3-4 tấn thuốc nổ TNT.
Tên lửa siêu thanh có thể được sử dụng để tấn công phá hủy các tên lửa đạn đạo của Nga lắp trên xe tải cơ động hoặc đường ray. Trung Quốc cũng có thể sử dụng tên lửa siêu thanh để nhắm vào căn cứ không quân Mỹ ở Nhật Bản, đảo Guam, thậm chí nó có thể chọc thủng một lỗ lớn trên tàu sân bay trị giá hàng chục tỷ USD của Mỹ.
Trong thập niên tới, vũ khí siêu thanh có thể thực hiện nhiệm vụ của vũ khí hạt nhân, đó là tấn công đầu tiên chống lại chính phủ, hoặc kho vũ khí của quốc gia khác, làm gián đoạn chuỗi liên lạc, vô hiệu hóa khả năng trả đũa. Đặc biệt là vũ khí này không để lại bụi phóng xạ, vấn đề luôn bị lên án khi kích nổ đầu đạn hạt nhân.
Sự xuất hiện của một loại vũ khí siêu nhanh sẽ tạo ra áp lực thời gian cho các nhà lãnh đạo, tướng lĩnh quân sự trong việc đánh giá bản chất cuộc tấn công và đưa ra quyết định phòng thủ hoặc đáp trả phù hợp.
Các chuyên gia quân sự nhận định tên lửa siêu thanh tạo ra tâm lý về sự hủy diệt lẫn nhau. Học thuyết quân sự dựa trên nền tảng răn đe hạt nhân sẽ bị lỗi thời với sự xuất hiện của tên lửa siêu thanh.
Thomas M. Countryman, một nhà ngoại giao kỳ cựu với sự nghiệp hơn 35 năm, nói: “Đây không phải là lần đầu tiên công nghệ mới được nghiên cứu, phát triển nhanh hơn nhiều so với bộ máy chính sách có thể theo kịp”.
Ông đề cập đến thập niên 1960-1970, khi các cường quốc chi hàng chục tỷ USD, điên cuồng phát triển vũ khí hạt nhân, hóa học, kéo theo nhiều hệ lụy đến hôm nay.
Ông Countryman, hiện là chủ tịch Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nhấn mạnh thế giới cần xây dựng bộ quy tắc về số lượng tên lửa siêu thanh mà một quốc gia có thể chế tạo, hoặc loại đầu đạn nó có thể mang theo.