Theo Guardian, phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hợp Quốc hôm 8/5 đã ngăn cản một nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi ngừng bắn trên phạm vi toàn cầu trong thời gian đại dịch Covid-19. Nguyên nhân được cho là bởi Washington phản đối nội dung đề cập gián tiếp tới ủng hộ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Hội đồng Bảo an đã mất 6 tuần tranh cãi xung quanh dự thảo nghị quyết được xây dựng với mục đích ủng hộ thiết lập lệnh ngừng bắn toàn cầu do Tổng thư ký Antonio Guterres đề xuất.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft. Ảnh: AP. |
Nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trong thông qua nghị quyết là bởi Mỹ chống lại nội dung kêu gọi ủng hộ hoạt động của WHO trong toàn bộ thời gian đại dịch. Trong khi đó, Trung Quốc kiên quyết rằng Hội đồng Bảo an cần đề cập và ủng hộ hoạt động của WHO.
Tối 7/5, đại diện Pháp đưa ra dự thảo nghị quyết trong đó sử dụng cụm từ "các cơ quan y tế chuyên trách" của Liên Hợp Quốc, tức một cách đề cập gián tiếp tới WHO.
Dự thảo của Pháp ban đầu được cho là nhận được sự ủng hộ từ Mỹ. Tuy nhiên, phái đoàn Mỹ hôm 8/5 đã "phá vỡ sự im lặng", phản đối cách dùng từ của dự thảo, và ngăn cản các thủ tục tiếp theo để có thể đưa nghị quyết ra bỏ phiếu.
"Chúng tôi hiểu là đã có một thỏa thuận về vấn đề này (dự thảo nghị quyết), nhưng có vẻ như họ (Mỹ) đã thay đổi quan điểm", một nhà ngoại giao phương Tây nhận định.
Phát ngôn viên phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết dự thảo nghị quyết cần có nội dung chỉ trích cách WHO và Trung Quốc xử lý đại dịch nếu như đề cập tới tổ chức này.
"Chúng tôi cho rằng Hội đồng Bảo an nên tiếp tục với một nghị quyết chỉ giới hạn về ủng hộ lệnh ngừng bắn, hoặc một nghị quyết mở rộng trong đó giải quyết toàn bộ sự cần thiết đối với cam kết của quốc gia thành viên về minh bạch và chịu trách nhiệm, trong bối cảnh Covid-19. Minh bạch và dữ liệu đáng tin cậy là thiết yếu để giúp thế giới chống lại đại dịch đang xảy ra, và đại dịch tiếp theo", đại diện Mỹ cho biết.
Mặc dù nghị quyết nếu được thông qua cũng chủ yếu mang tính biểu tượng, từ sau khi Tổng thư ký Guterres ra lời kêu gọi về ngừng bắn toàn cầu, các phe phái vũ trang tại khoảng 20 quốc gia đã tạm thời ngừng bắn.