Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng tình trạng phân biệt chủng tộc nhắm vào người nước ngoài đã gia tăng cả trên mạng lẫn ngoài đường. Ông cũng đề cập đến các âm mưu bài Do Thái và bài Hồi giáo liên quan đến đại dịch Covid-19, theo Guardian.
Đến ngày 8/5, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 3.875.995 ca nhiễm và 270.404 ca tử vong vì Covid-19. Mỹ là nước đứng đầu thế giới cả về ca nhiễm lẫn ca tử vong.
Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát ở Vũ Hán, nhiều người châu Á trên khắp thế giới đã bị kỳ thị. Ảnh: Getty. |
Ông Guterres nói rằng vì những đồn đoán xoay quanh nguồn gốc của virus mà những người nhập cư và tị nạn bị phỉ báng như “mầm bệnh”, khiến nhiều người trong số họ không dám tiếp nhận điều trị.
“Trong số nhóm người dễ bị tổn thương, người lớn tuổi đã bị chế meme cho rằng việc chi tiêu cho họ là tốn kém nhất”, ông nói. “Còn các nhà báo, người tố giác, chuyên gia y tế, nhân viên cứu trợ và những người bảo vệ nhân quyền đang trở thành mục tiêu chỉ vì họ làm công việc của mình”.
Ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo khơi gợi tinh thần đoàn kết của người dân, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, đấu tranh loại bỏ nạn phân biệt chủng tộc và các nội dung tai hại khác.
“Tôi thỉnh cầu mọi người, dù ở đâu, hãy cùng đứng lên đấu tranh lại lòng thù hận. Hãy đối xử với nhau bằng thái độ đàng hoàng và dùng mọi cơ hội để lan truyền sự tử tế”, ông nói.
Tổng thư ký nhấn mạnh rằng Covid-19 không quan tâm “chúng ta là ai, chúng ta sống ở đâu, chúng ta tin vào điều gì”, cũng như bất cứ sự phân biệt nào khác.
Trước đó, ngày 23/4, ông Guterres đã gửi đi thông điệp rằng cuộc khủng hoảng đại dịch virus corona đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng nhân quyền.