Tổng thư ký Antonio Guterres nhận định đại dịch đang đe dọa người dân ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông cảnh báo cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ kéo theo một đợt suy thoái "có thể trong quá khứ chưa từng có gì tương xứng".
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo về tác động kinh tế xã hội của Covid-19 hôm 31/3, ông nói dịch bệnh kết hợp với tác động kinh tế có nguy cơ góp phần dẫn đến "gia tăng bất ổn, nổi loạn và xung đột".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Ông kêu gọi hợp tác ứng phó toàn cầu cần mạnh mẽ và hiệu quả hơn đối với đại dịch virus corona, cũng như những hậu quả kinh tế và xã hội mà Covid-19 gây ra.
Tính đến ngày 1/4, theo thống kê của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 754.000 ca nhiễm, hơn 36.500 ca tử vong và dịch bệnh đã lây lan trên 203 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tấn công tới cốt lõi các xã hội
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh việc ứng phó hậu quả của Covid-19 chỉ khả thi nếu tất cả hợp tác, quên đi những chiêu trò chính trị và hiểu rằng cả nhân loại đang bị đe dọa.
"Chúng ta đang đối diện khủng hoảng y tế toàn cầu không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác mà Liên Hợp Quốc từng đối diện trong lịch sử 75 năm qua. Cuộc khủng hoảng này vừa gây nên chết chóc, gây ra đau khổ lan rộng và đảo lộn cuộc sống của nhiều người", báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết.
"Tình hình còn hơn cả khủng hoảng y tế. Đây là cuộc khủng hoảng về con người. Dịch virus corona (Covid-19) đang tấn công đến tận cốt lõi các xã hội", báo cáo nhấn mạnh.
"Mức độ ứng phó cần ngang với quy mô của cuộc khủng hoảng - cần diễn ra trên quy mô lớn, phối hợp và có tính toàn diện, với nỗ lực ứng phó quốc tế và mỗi quốc gia đang được hướng dẫn bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)", ông Guterres nói.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định thế giới "vẫn còn cách rất xa mục tiêu chống Covid-19 một cách hiệu quả trên toàn cầu và đủ khả năng đối phó những tác động tiêu cực lên nền kinh tế và xã hội".
Ông lưu ý vẫn còn nhiều quốc gia không tôn trọng các hướng dẫn của WHO. Mỗi nước vẫn muốn tự làm theo ý mình.
"Cần nhớ rằng sức mạnh của chúng ta, trong một thế giới kết nối chặt chẽ, dừng lại với hệ thống y tế yếu nhất. Những nước phát triển cần hỗ trợ ngay lập tức cho những nước kém phát triển hơn để củng cố hệ thống y tế và năng lực ứng phó của họ để chặn đứng lây nhiễm", ông nhấn mạnh.
Liên Hợp Quốc cảnh báo châu Phi có thể đối diện những khó khăn vô cùng to lớn trong khủng hoảng Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển
Dù đã có 5.000 tỷ USD được huy động trên thế giới để ứng phó đại dịch, ông Guterres lưu ý rằng phần lớn số tiền nhằm hỗ trợ nền kinh tế ở những nước phát triển, trong đó có gói 2.000 tỷ USD của Mỹ.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi một gói hỗ trợ toàn cầu dành cho những nước đang phát triển, nhằm tạo điều kiện "vừa khống chế dịch bệnh vừa giải quyết những hậu quả nghiêm trọng khi người dân thất nghiệp, các công ty nhỏ biến mất, và những người đang sống nhờ vào nền kinh thế không chính thống có nguy cơ mất cơ hội sống còn".
Báo cáo của Liên Hợp Quốc dẫn số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính khoảng 5-25 triệu việc làm sẽ biến mất trong năm 2020, với lượng thu nhập lao động mất đi có thể dao động từ 860 triệu đến 3.400 tỷ USD.
Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) ước tính 30-40% "áp lực giảm" trong năm 2020 đối với dòng chảy đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới.
Tổng thư ký Guterres công bố thành lập Quỹ Ứng phó và Phục hồi Covid-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhằm nhanh chóng giúp đỡ chính phủ các nước giải quyết khủng hoảng và xúc tiến phục hồi kinh tế xã hội.
Ông bày tỏ hy vọng "sẽ có phản ứng tích cực" từ cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ những nhóm yếu thế, bao gồm hàng chục triệu người tị nạn và vô gia cư, những khu ổ chuột trong các thành phố lớn, người nghèo ở các nước thu nhập trung bình.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đồng thời nhận định nhóm nước phát triển cần gia tăng đáng kể nguồn lực trong khả năng đến nhóm nước đang phát triển thông qua quyền rút vốn đặc biệt của IMF. Các tổ chức tài chính khác cần được tạo điều kiện để rót nguồn lực vào những quốc gia đang cần hỗ trợ.
Ông Guterres bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong hội nghị thượng đỉnh G20 tuần qua. Theo đó, những nền công nghiệp phát triển lớn nhất thế giới cần xây dựng kế hoạch hỗ trợ châu Phi.
Ông nhấn mạnh cộng đồng quốc tế "cần hành động nhanh chóng để hiện thực hóa điều này". Châu Phi có thể gặp phải những khó khăn khổng lồ trước đại dịch Covid-19.