Trung Quốc thử nghiệm một tên lửa siêu vượt âm hồi tháng 8, có khả năng di chuyển trên quỹ đạo quanh Trái Đất trước khi tấn công mục tiêu. Động thái này đặt giới chức quốc phòng Mỹ vào trạng thái báo động, trong bối cảnh năng lực quân sự của Trung Quốc ngày càng được củng cố, theo Wall Street Journal
Công nghệ mới nhằm đối phó Mỹ
Đại sứ Mỹ tại Ủy ban Giải trừ Quân bị Liên Hợp Quốc Robert Wood cho biết việc Trung Quốc phát triển công nghệ tên lửa siêu vượt âm với khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân khiến Mỹ quan ngại. "Chúng tôi rất lo lắng về những gì Trung Quốc đang thực hiện trong lĩnh vực siêu vượt âm", Đại sứ Wood nói.
Quan chức Mỹ cho biết nước này, cũng như Nga và cả Trung Quốc, không đủ khả năng "tự vệ chống lại loại công nghệ như vậy".
Giới chức Mỹ cũng như nhiều chuyên gia quân sự độc lập cho rằng chương trình tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc có thể nhằm qua mặt hệ thống phòng thủ tên lửa chống vũ khí hạt nhân của Washington.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện nay vẫn chưa đủ khả năng ngăn chặn một đòn tấn công hạt nhân từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể đang tính tới tình huống năng lực phòng thủ của Washington sẽ được hiện đại hóa hơn nữa trong tương lai, các chuyên gia nhận định.
Tên lửa siêu vượt âm có thể bay ở tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh. Giống với tên lửa đạn đạo, chúng có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Phương tiện lướt siêu thanh mới được phóng bằng tên lửa Trường Chinh mang theo tàu thăm dò mặt trăng Chang’e-5 của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, trong khi tên lửa đạn đạo liên lục địa bay vào không gian theo hình vòng cung trước khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa siêu vượt âm có thể bay với quỹ đạo thấp hơn, nên nó tiếp cận mục tiêu nhanh hơn.
Quan trọng hơn cả, tên lửa siêu vượt âm có thể được điều khiển và chuyển hướng, khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa khó lần theo dấu vết cũng như đánh chặn.
Hiện chưa có nhiều thông tin về hệ thống vừa được Trung Quốc thử nghiệm. Hệ thống này được miêu tả giống như tên lửa mang theo một phương tiện bay vào quỹ đạo thấp của khí quyển.
Phương tiện này tách biệt khỏi tên lửa, có khả năng hành trình và bay tới mục tiêu trên mặt đất ở tốc độ cao. Đường bay của phương tiện khó đoán hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo thông thường.
Các quốc gia, trong đó có Mỹ, đã phát triển hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Tuy nhiên, năng lực dò tìm và đánh chặn tên lửa siêu vượt âm vẫn là dấu hỏi lớn.
Một số quan chức Mỹ lại cho rằng thế hệ tên lửa mới cũng có khả năng là hệ thống vũ khí phi hạt nhân, có thể được sử dụng để tấn công các bến cảng, căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương.
Và ngay cả khi được phát triển toàn diện, hệ thống tên lửa mới chưa hẳn đã là phương tiện răn đe nguy hiểm nhất của Trung Quốc. Bắc Kinh đang xây dựng hàng trăm hầm phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, được các chuyên gia đánh giá là rẻ và chính xác hơn tên lửa tấn công từ không gian.
Mỹ ngỡ ngàng
Tạp chí Financial Times là tờ báo đầu tiên đăng tải thông tin về cuộc phóng thử tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc. Financial Times dẫn 4 nguồn tin từ tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã tiến hành 2 lần phóng, lần đầu tên vào 27/7, lần thứ hai là 13/8.
Phản ứng trước bài báo của Financial Times, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là thông tin không chính xác, nói rằng Bắc Kinh chỉ thử nghiệm công nghệ tái sử dụng động cơ nhằm giảm giá thành phóng tàu vũ trụ.
Theo Financial Times, tên lửa của Trung Quốc đã bắn trượt mục tiêu khoảng hơn 40 km. Các quan chức Mỹ sau đó cũng xác nhận tên lửa Trung Quốc không bắn trúng mục tiêu.
Tuy nhiên, vụ phóng thử cho thấy Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc trong phát triển vũ khí siêu vượt âm, nằm ngoài tính toán của Mỹ.
Xe quân sự chở theo tên lửa hành trình siêu vượt âm DF-100 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
"Đây là một phần trong nỗ lực nhằm cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ trên toàn cầu", Robert Soofer, cựu quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nói.
Drew Thompson, cựu giám đốc Văn phòng Quan hệ Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết Lầu Năm Góc cũng như cộng đồng tình báo đã giám sát các chương trình tên lửa của Trung Quốc trong nhiều năm.
"Khi mà Trung Quốc không minh bạch chương trình không gian, rất khó để đưa ra những bác bỏ khả tín. Tôi nghĩ tính toán của ông Biden với Trung Quốc đã thay đổi", ông Thompson cho biết.
Trong phát biểu hôm 20/9, Tư lệnh Không quân Mỹ Frank Kendall dường như ám chỉ tới tên lửa siêu vượt âm mới của Trung Quốc, khi cho biết Bắc Kinh đang phát triển vũ khí có thể "tấn công toàn cầu từ không gian".
"Có khả năng sẽ xuất hiện vũ khí được phóng vào không gian, về cơ bản là bắn vào quỹ đạo, sau đó rời khỏi quỹ đạo bay đến mục tiêu", ông Kendall nói.
Dưới thời cựu Tổng thống Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ đề xuất đối thoại với Trung Quốc nhằm duy trì ổn định chiến lược. Washington muốn thuyết phục Bắc Kinh tham gia đàm phán hạn chế vũ khí hạt nhân tầm xa. Nhưng Trung Quốc bác bỏ mọi đề nghị từ Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington hiện vẫn muốn khởi động đối thoại với Bắc Kinh về kiểm soát vũ khí.
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước năng lực hạt nhân đang được tăng cường nhanh chóng của quân đội Trung Quốc, bao gồm việc phát triển các hệ thống vận chuyển mới", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sử dụng cụm từ "hệ thống vận chuyển mới" theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Washington cho biết nếu Bắc Kinh chấp nhận đối thoại, đàm phán giữa hai bên sẽ được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh thực tế chứ không nhất thiết tương tự đàm phán giữa Mỹ và Nga, kể cả về tương lai kiểm soát vũ khí cũng như định nghĩa khái niệm ổn định chiến lược.
Hiện nay, Trung Quốc có khoảng vài trăm đầu đạn hạt nhân, tương đối nhỏ nếu so với Mỹ và Nga. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lo ngại kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể được mở rộng gấp đôi trong 10 năm tới, và mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là cân bằng sức mạnh với năng lực răn đe hạt nhân của Washington.