Theo 5 quan chức Mỹ thạo tin về cuộc thử nghiệm của Trung Quốc, quân đội đại lục đã phóng tên lửa Trường Chinh 2C mang theo phương tiện lướt siêu âm có thể trang bị đầu đạn hạt nhân hồi tháng 8. Tên lửa bay qua không gian quỹ đạo thấp trước khi nhắm vào mục tiêu, Financial Times đưa tin hôm 16/10.
Đầu đạn bắn trượt và chệch mục tiêu hơn 30 km. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ thừa nhận vụ phóng thử cho thấy sự tiến bộ đáng kinh ngạc của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm, tiên tiến hơn nhiều so với những gì phía Mỹ nhận định.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby hôm 16/10 không phản hồi thẳng thắn về thông tin của Financial Times.
Ông Kirby nói chung chung rằng Mỹ nhiều lần thể hiện lo ngại trước năng lực quân sự mà Trung Quốc theo đuổi, "năng lực mà chỉ khiến căng thẳng gia tăng ở khu vực và hơn thế nữa". "Đó là lý do Mỹ xem Trung Quốc là thách thức hàng đầu", ông nói.
Trước đó, Trung Quốc có thông báo vụ phóng tên lửa Trường Chinh 2C vào ngày 19/7 và 24/8, tuy nhiên lại không hề đề cập tới cuộc thử nghiệm lần này.
Phương tiện lướt siêu thanh mới được phóng bằng tên lửa Trường Chinh mang theo tàu thăm dò mặt trăng Chang’e-5 của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Cuộc thử nghiệm đặt ra những câu hỏi về việc tại sao Mỹ lại đánh giá thấp quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
“Chúng tôi không biết họ làm điều này như thế nào”, một người nói.
Một nguồn tin khác cho biết về lý thuyết, vũ khí này có thể bay qua Nam Cực. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với quân đội Mỹ vì hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này tập trung vào tuyến đường cực Bắc.
Mỹ, Nga và Trung Quốc là ba quốc gia đang phát triển vũ khí siêu vượt âm.
Tên lửa siêu vượt âm, giống như tên lửa đạn đạo truyền thống có thể mang vũ khí hạt nhân, có khả năng bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Trong khi tên lửa đạn đạo bay cao vào không gian theo hình vòng cung để nhắm tới mục tiêu, tên lửa siêu vượt âm bay quỹ đạo thấp trong bầu khí quyển và tiếp cận mục tiêu nhanh hơn.
Quan trọng hơn hết, tên lửa siêu vượt âm có khả năng cơ động khiến khó theo dõi và phòng thủ loại phương tiện này. Nhiều quốc gia như Mỹ đã phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, nhưng khả năng theo dõi và hạ gục tên lửa siêu vượt âm vẫn là một bài toán nan giải.