Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ quan ngại dù Trung Quốc phủ nhận thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm

Chính quyền Mỹ "quan ngại sâu sắc" trước báo cáo Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm mang đầu đạn hạt nhân, trong khi Bắc Kinh khẳng định thông tin này là "không chính xác".

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 18/10 nói rằng Trung Quốc đang đi chệch hướng khỏi chiến lược răn đe hạt nhân tối thiểu, sau khi báo cáo gần đây của Finanicial Times tiết lộ Bắc Kinh đã thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hồi tháng 8.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc mở rộng nhanh chóng khả năng hạt nhân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm cả việc phát triển các hệ thống phân phối mới”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Ned Price, cho biết tại một cuộc họp báo, South China Morning Post đưa tin.

Ông Price từ chối bình luận về mối lo của Mỹ liên quan tới vụ thử nghiệm, nhưng thể hiện thái độ bác bỏ mọi nỗ lực nhằm hạ thấp tầm quan trọng của điều này. Ông trích dẫn con số Mỹ đếm được "ít nhất" 250 vụ phóng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc từ đầu năm tới tháng 9.

Ngoài ra, phía Mỹ cũng đã liên lạc với Trung Quốc. “Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì khả năng phòng thủ và ngăn chặn trước một loạt mối đe dọa từ Trung Quốc”, ông nói thêm.

Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki từ chối bình luận cụ thể về vấn đề này.

my phan ung voi ten lua sieu vuot am cua trung quoc anh 1

Trung Quốc tiến hành thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm vào năm 2018. Ảnh: Học viện Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.

Guardian trích dẫn lời của Đại sứ về giải trừ quân bị của Mỹ, ông Robert Wood, nói rằng “Mỹ rất lo ngại về sự phát triển công nghệ siêu vượt âm của Trung Quốc”. “Chúng tôi chỉ không biết làm thế nào để chống lại loại công nghệ đó”, ông cho biết.

Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định báo cáo của Financial Times là “không chính xác”. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi vụ phóng là “cuộc thử nghiệm định kỳ của một loại phương tiện có khả năng tái sử dụng” để cắt giảm chi phí phóng tàu vũ trụ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nhấn mạnh vật thể được phóng “không phải tên lửa” với mục đích quân sự.

Mối quan tâm của Mỹ về khả năng hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc đã gia tăng ngay cả trước khi có báo cáo về khả năng Bắc Kinh triển khai tên lửa hạt nhân siêu vượt âm.

Trong báo cáo gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể đã vượt qua khả năng phát triển tên lửa của Mỹ, và có khả năng tăng gấp đôi kho dự trữ đầu đạn hạt nhân trong thập niên tới.

Theo Caitlin Talmadge, giáo sư Đại học Georgetown và thành viên Viện Brookings, chuyên gia về chiến lược hạt nhân và chính sách quốc phòng, Trung Quốc đã đạt được “những bước tiến đáng kể trong số lượng và chất lượng” về năng lực hạt nhân kể từ khi bắt tay vào lĩnh vực này.

Bà Talmadge cũng nghi ngờ cam kết chính sách vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Đây là cam kết của một cường quốc hạt nhân không sử dụng vũ khí hạt nhân làm phương tiện chiến tranh trừ khi bị đối thủ tấn công sử dụng trước.

Bà chỉ ra Trung Quốc đang “theo đuổi vũ khí hạt nhân phóng từ trên không, đầu tư vào tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân”, “đa dạng hóa các nền tảng mà họ có thể phóng vũ khí hạt nhân”.

Tình báo Mỹ bất ngờ vì Trung Quốc thử vũ khí siêu vượt âm

Báo Financial Times cho biết việc Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân khiến tình báo Mỹ hoàn toàn bất ngờ.

Mùa đông đến, người Trung Quốc lo lắng vì khủng hoảng năng lượng

Tình trạng thiếu điện của Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và việc sản xuất ở nước này, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt vào mùa đông.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm