Lệnh trừng phạt mới, bao gồm việc đóng băng tài sản tại Mỹ, sẽ áp dụng lên 328 nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), và 48 công ty quốc phòng bị cáo buộc hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, AFP đưa tin.
Ngoài ra, Washington cũng trừng phạt ông Herman Gref, Giám đốc ngân hàng quốc doanh Nga Sberbank và là cố vấn của ông Putin; gia đình tỷ phú Gennady Timchenko; 17 thành viên của ngân hàng Sovcombank.
Các nhà thầu quốc phòng có trong danh sách trừng phạt bao gồm công ty trực thăng Nga, công ty sản xuất tên lửa chiến thuật, hệ thống chính xác cao, và các đơn vị lắp ráp vũ khí.
Thông báo của Nhà Trắng cũng cho hay các nước G7 và EU đã nhất trí chia sẻ tin tình báo để ngăn chặn nỗ lực né các lệnh trừng phạt của Moscow, bao gồm cấm Ngân hàng Trung ương Nga giao dịch bằng vàng; ngăn Moscow vay tiền từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái), Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trò chuyện tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 24/3. Ảnh: Reuters. |
Phía EU cho biết đang xem xét phối hợp với Mỹ để thắt chặt hoặc gia tăng các lệnh trừng phạt lên Nga.
Cũng trong ngày 24/3, Mỹ và EU đang thảo luận về thỏa thuận việc Washington cung cấp khí hóa lỏng (LNG) cho châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga, theo Bloomberg.
Tháng trước, Nhà Trắng đã áp đặt trừng phạt với Tổng thống Nga Putin và nhiều quan chức cấp cao khác trong chính quyền Moscow, gồm cả người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Hôm 20/3, phó cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng nói rằng Nga phải dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine để được dỡ lệnh trừng phạt kinh tế.