Các nghệ sĩ gen Z đã có một năm 2023 rất bùng nổ. Lần lượt những cái tên nổi bật nhất trong thế hệ trẻ như Phương Mỹ Chi, tlinh, MCK, Wren Evans,... đều phát hành album đầu tay, đưa dấu ấn cá nhân đậm nét vào các tác phẩm, giới thiệu những phong cách âm nhạc mới lạ, hiện đại tới với công chúng. Trước đó, năm 2022, Mono cũng đã đi trước một bước, phát hành album 22 đồng thời sở hữu một trong những bản hit lớn nhất của lứa gen Z - Waiting for you.
Chính vì thế, việc công bố phát hành album vào đầu năm 2024 của Mỹ Anh có thể xem là một bước “chậm chân”. Khi mà mọi ánh hào quang, sự chú ý đã đổ dồn vào lứa nghệ sĩ phát hành album trước đó, thời điểm ra mắt của album Em có phần hơi lạc lõng. Cùng với đó, khi mà các nghệ sĩ khác đã bày ra bàn tiệc đủ món ngon độc đáo, sản phẩm của Mỹ Anh bất giác được người hâm mộ đặt một kỳ vọng cao hơn hẳn. Và với phong cách của Mỹ Anh, cô khó có thể khiến đại đa số khán giả choáng ngợp hay bất ngờ.
Mỹ Anh vẫn còn hiền lành
Nếu như theo dõi các sản phẩm âm nhạc trước đây của Mỹ Anh, cộng với album Em, khán giả có thể thấy rõ rằng Mỹ Anh rất “hiền”. Cô nhỏ nhẹ trong cả cách nói chuyện, cách hát, nhỏ nhẹ trong cả phong cách phối khí, sản xuất. Mỹ Anh rất ít khi dùng những âm thanh mạnh bạo, hào nhoáng, chỉ sử dụng những sound sáng, thanh mảnh, xếp layer dày để tạo nên phong cách riêng cho mình. Mỹ Anh cũng hầu như không belting đẩy cao trào trong các bài hát, mà lựa chọn airy voice cho các nốt cao.
Một mặt, cách phối khí cũng như thể hiện của Mỹ Anh rất hợp với nhau, hợp với tông màu nhẹ nhàng của cả album, và rất êm tai trong quá trình thưởng thức. Tuy nhiên, cách làm như vậy không khiến cho người nghe bất ngờ vì một phần Mỹ Anh vẫn làm thứ âm nhạc như vậy xuyên suốt các single của mình, mặt khác nó cũng không tạo được cao trào quá bùng nổ cho album.
Mỹ Anh cho thấy mình là một cô gái rất hiền lành trong âm nhạc, không chiêu trò, cũng ít cao trào. |
Mỹ Anh rất chú ý tập trung vào các tiểu tiết nhỏ trong các sản phẩm của mình. Những tiếng guitar bass trong các bài hát được dựng rất tinh tế, những âm thanh được thêm vào đều rất nhẹ và từ tốn, càng nghe càng thấy sự “dày” lên của các lớp sound nhưng không mất đi sự ấm cúng mà Mỹ Anh thiết lập từ đầu. Mỹ Anh cũng di chuyển rất nhẹ trong cách xây dựng bài hát, từ contemporary R&B trong Đánh Cược, Thật thà cho đến Neo soul trong Small Talk và Ở đây lúc này. Người nghe không thấy một sự phô trương nào trong cách sản xuất của cô, mà nó diễn ra rất tinh tế mà cần phải lắng nghe kĩ để nhận ra.
Ca khúc có sự “phô trương” nhất trong album Em có lẽ là 2 single Mỗi khi anh nhìn em và Chẳng thể né tránh. Trong khi Mỗi khi anh nhìn em sử dụng tiếng kèn làm chorus chính một cách hùng vĩ, cũng là âm thanh “lớn” nhất trong một album rất nhỏ nhẹ và tối giản, thì Chẳng thể né tránh lại là ca khúc có tempo nhanh nhất trong cả album, là một điểm nhấn trong cả một album khá bình thản.
Tuy nhiên, trong những khoảnh khắc khác biệt nhất như vậy, Mỹ Anh vẫn trình bày rất từ tốn. Khi đã sử dụng tiếng kèn đồng, cô không hát nữa và để độc tiếng kèn đảm nhiệm vai trò thực hiện đoạn chorus. Khi đã đẩy tempo bài hát nhanh, cô cũng không viết những giai điệu quá trúc trắc và hạn chế những nốt cao. Tất cả đều tạo ra cảm nhận về một ca sĩ rất “hiền”, rất tối giản, những sự chăm chút kỹ lưỡng không được phô bày ngay trước mặt khán giả mà ẩn nấp rất sâu, có chút thách thức sự kiên nhẫn khám phá.
Những nỗ lực của Mỹ Anh
Sở trường của Mỹ Anh là sáng tác bằng tiếng Anh. Ca từ ở ngôn ngữ này giúp Mỹ Anh dễ dàng triển khai cách hát lướt chữ rất nhanh, rất nhẹ, đẩy các âm cao lên airy voice mà vẫn giữ được sự rõ ràng. Tuy nhiên, trong album Em, ngoại từ Small Talk, Mỹ Anh hầu như đều viết lời bằng tiếng Việt.
Cách phát âm của Mỹ Anh có thể vẫn chưa hoàn toàn làm hài lòng những khán giả hâm mộ trường phái “tròn vành rõ chữ”, có những phân đoạn tiết tấu rất nhanh Mỹ Anh vẫn lướt kha khá chữ, tuy nhiên hầu như không có bài nào mà Mỹ Anh bị phát âm sai hay méo tiếng. Trong những ca khúc Mỹ Anh hát khá chậm như Mỗi khi anh nhìn em hay Thật thà, cô cũng cho thấy khả năng viết lời Việt khá ổn. Những ca từ đơn giản, không quá văn hoa đặc biệt, nhưng nó vừa đủ, nhẹ nhàng, góp sức vào bầu không khí chung dịu dàng ấm cúng rất phù hợp. Khán giả có lẽ không có điều gì cần phàn nàn trong ca từ mà Mỹ Anh viết.
Những nỗ lực của Mỹ Anh rất đáng khen ngợi, nhưng đó không phải những thứ công chúng dễ dàng nhìn thấy. |
Tuy nhiên, điều đó phần nào lại tạo ra một sự “an toàn”, thiếu đột phá cho cô. Nó khác hẳn với cách cách đồng nghiệp gen Z của cô theo đuổi, như tlinh từng gây bão với ca từ tranh cãi trong Ghệ iu dấu của em ơi, hay phần thể hiện 4 thứ tiếng của Wren Evans trong Việt Kiều. Những ca từ như vậy không làm hài lòng tất cả mọi người, có người thích nhưng cũng có khán giả phản đối, nhưng không thể phủ nhận nó khiến cho người nghe phải bàn luận và nhắc đến liên tục. Ca từ của Mỹ Anh không có gì để chê, nhưng cũng không mang câu chuyện gì đặc biệt. Nó giúp trải nghiệm nghe rất mượt mà, nhưng đồng thời lại không khiến cho Mỹ Anh trở thành tâm điểm. Cộng với phần sản xuất không cao trào, Mỹ Anh đang tỏ ra thiếu sức hút với công chúng so với các đồng nghiệp.
Mọi thứ ở album Em đều rất sạch sẽ, từ các lớp âm thanh được dàn dựng công phu, các sáng tác mượt mà, ca từ nhẹ nhàng, giọng hát nhẹ nhàng bay bổng,... Mỹ Anh đều làm một cách tinh tế. Tuy nhiên, vì tất cả mọi thứ đều ở mức tốt đến rất tốt, tập trung rất nhiều vào không gian và trải nghiệm nghe mà không có cao trào hay câu chuyện, Mỹ Anh thiếu mất một vài gia vị để khiến Em trở thành một sản phẩm hấp dẫn với đại chúng. Nó khiến cho Mỹ Anh phần nào hụt hơi so với các đồng nghiệp đã tỏa sáng trước đó, dẫu cho chất lượng của album thì không có gì để chê.