Thoả thuận mới cho phép quân đội 2 nước được sử dụng các căn cứ hải, lục, không quân của nhau để phục vụ việc tiếp tế hoặc sửa chữa. Đây là một trong những hợp tác cột mốc trong quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói tại cuộc họp báo ở Washington ngày 29/8 rằng việc ký thỏa thuận sẽ giúp "việc hậu cần trong những hoạt động chung diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn", theo Reuters.
Tàu chiến Mỹ và Ấn Độ trong cuộc tập trận chung. Ảnh: US Navy |
Người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết thêm, Hải quân Ấn Độ và Mỹ sẽ dễ dàng hỗ trợ nhau trong những hoạt động chung như tập trận hoặc các sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo.
Bên cạnh hợp tác về hậu cần, Mỹ và Ấn Độ cũng có thêm 2 thỏa thuận khác về thông tin liên lạc và chia sẻ dữ liệu hàng hải. Đây là các nội dung hợp tác cơ bản giữa Mỹ và những đối tác quốc phòng của nước này.
Trước đó, Ấn Độ từng lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ buộc các căn cứ của nước này phải tiếp đón binh sĩ Mỹ; hoặc có thể dẫn đến một liên minh quân sự đối với Mỹ, qua đó làm suy giảm vai trò độc lập truyền thống của Ấn Độ. Do vậy, việc ký thỏa thuận cho thấy chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đặt ưu tiên trong việc xây dựng quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ.
Phía quân đội Mỹ cũng nhiều lần tỏ rõ muốn hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ, đặc biệt trong các hoạt động đối phó với tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tại cuộc họp báo chung ngày 29/8, dù không nêu đích danh Trung Quốc, hai Bộ trưởng Carter và Parrikar đều nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng chảy tự do thương mại. "Mỹ và Ấn Độ có chung lợi ích về tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở trong một trận tự dựa trên luật pháp ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Parrikar nói.