Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc tại Du Lâm, căn cứ tàu ngầm lớn nhất nước này trên đảo Hải Nam. Ảnh: Navy.81 |
Phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) là một trong những chương trình quan trọng nhất trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Trong Sách trắng Quốc phòng mới công bố, Bắc Kinh tiếp tục cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên theo học thuyết hạt nhân của nước này.
Để phù hợp với học thuyết hạt nhân và Sách trắng Quốc phòng, lực lượng hạt nhân chiến lược Trung Quốc phải bao gồm: Lực lượng răn đe hiệu quả, phương tiện sử dụng linh hoạt để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Nếu Trung Quốc tuân thủ cam kết “không sử dụng vũ khí hạt nhân” đầu tiên, kho vũ khí hạt nhân của họ phải có khả năng tồn tại sau đợt tấn công hạt nhân. Khi đó, lực lượng tàu ngầm SSBN sẽ bổ sung cho các tên lửa nhiên liệu rắn di động trên đất liền, mà có thể dễ dàng ẩn nấp trên lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc.
Một số chuyên gia cho rằng, với khả năng sống sót cao của lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trên đất liền của Trung Quốc, việc phát triển SSBN là một chính sách bảo hiểm tốn kém. Bắc Kinh có thể không chia sẻ quan điểm này và đang hướng đến việc xây dựng lực lượng SSBN đáng tin cậy. Để thực hiện điều này, Trung Quốc phải tạo ra các bước tiến về chỉ huy, kiểm soát truyền thông và công nghệ tàng hình.
Đối với Trung Quốc, họ phải đối mặt với 3 thách thức lớn trong việc xây dựng năng lực răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy. Đầu tiên, các tàu ngầm SSBN của Trung Quốc phải có khả năng hoạt động lén lút, khó bị đối phương phát hiện. Thứ hai, Bắc Kinh phải có loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tầm xa và đáng tin cậy.
Cuối cùng là hệ thống chỉ huy, thông tin liên lạc và kiểm soát mạnh để đảm bảo khả năng duy trì liên lạc với các tàu ngầm sau khi hứng chịu đợt tấn công hạt nhân đầu tiên.
Năng lực SSBN của Trung Quốc
Răn đe hạt nhân là chiến lược nhằm ngăn ngừa cuộc tấn công hạt nhân bằng cách đáp trả bằng vũ khí hạt nhân kết hợp với ý chí chính trị. Để đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân yêu cầu một số lượng đáng kể vũ khí hạt nhân phải an toàn sau đợt tấn công đầu tiên của đối phương.
Nhờ có khả năng ẩn sâu trong lòng đại dượng, các tàu ngầm SSBN là một phần thiết yếu trong chiến lược răn đe hạt nhân của Mỹ, Nga, Anh và Pháp. Khả năng cơ động của các tàu ngầm đem lại lợi thế rất lớn trong việc tấn công từ nhiều hướng khác nhau và tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094, lớp Jin của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Plymouth |
Mike McDevitt, giáo sư khoa học chính trị, Đại học New Mexico nhận xét “Lý thuyết cơ bản của SSBN là nó có thể ẩn sâu trong sự bao la của đại dương, do đó gần như không thể dự đoán nơi nó có thể đến hoặc không thể phát hiện nó ở mọi nơi”.
Type-092, lớp Xia là tàu ngầm SSBN đầu tiên của Trung Quốc, nhưng lớp tàu này gặp nhiều hạn chế về phạm vi của tên lửa và độ ồn khi hoạt động quá cao. Các nguồn tin nói rằng, Type-092 chưa bao giờ rời cảng với tên lửa SLBM bên trong.
Type-094, lớp Jin là tàu ngầm SSBN thế hệ tiếp theo với một số cải tiến giúp nó hoạt động đáng tin cậy hơn. Type-094 có thể mang theo tên lửa SLBM JL-2 tầm bắn hơn 8.000 km. Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) nhận định, Jin đại diện cho một bước tiến đáng kể trong năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc.
Tuy nhiên, để có thể tấn công lục địa Mỹ, các tàu ngầm SSBN của Trung Quốc phải có khả năng di chuyển đến trung tâm Thái Bình Dương mà không bị phát hiện. ONI cho rằng, Bắc Kinh cần ít nhất 5 tàu ngầm lớp Jin để duy trì sự hiện diện cần thiết trong thời bình.
Hiện tại chưa có nhiều thông tin về chi tiết kỹ thuật của tàu ngầm Type-094. Dựa vào ảnh chụp vệ tinh, các nhà phân tích cho rằng, Type-094 dài khoảng 137 m, nhỏ hơn nhiều so với tàu ngầm SSBN lớp Ohio của Mỹ hay Borei của Nga. Mỗi tàu ngầm lớp Jin có thể mang theo 12 tên lửa JL-2. Một số nguồn tin ghi nhận, việc trang bị và thử nghiệm tên lửa JL-2 gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật.
Lầu Năm Góc dự báo, Hải quân Trung Quốc có thể tiến hành tuần tra với tàu ngầm SSBN trong năm 2016. Theo một báo cáo của tạp chí National Interest trong năm 2013, thiết kế thủy động lực học của tàu ngầm lớp Jin tạo ra tiếng ồn khá lớn khi hoạt động. Do đó, nó có thể bị phát hiện và theo dõi bởi hệ thống định vị thủy âm tiên tiến khi vừa ra khỏi cảng.
Trong một báo cáo năm 2009 của Hải quân Mỹ, họ đã tiến hành so sánh độ ồn khi hoạt động của 12 loại tàu ngầm SSBN do Nga và Trung Quốc chế tạo. Tàu ngầm lớp Xia của Trung Quốc có độ ồn cao nhất, còn lớp Jin đứng thứ 4 trong danh sách.
Thách thức trong chỉ huy và kiểm soát SSBN
Hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy, kiểm soát các tàu ngầm SSBN là cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo khả năng hoạt động hiệu quả của chúng. Mỗi quốc gia duy trì một quy tắc khởi động vũ khí hạt nhân khác nhau. Trung Quốc là quốc gia “non trẻ” trong vận hành tàu ngầm SSBN. Người ta vẫn chưa thể nắm rõ cách thức khởi động vũ khí hạt nhân từ tàu ngầm theo cơ cấu chỉ huy mới cải tổ của quân đội Trung Quốc.
Ngoài ra, liên lạc với tàu ngầm là thách thức rất lớn, nó đòi hỏi nhiều công nghệ tiên tiến. Sóng radio chỉ thâm nhập được khoảng cách rất ngắn vào đại dương. Người ta phải sử dụng sóng âm thanh tần số thấp (VLF) để liên lạc với các tàu ngầm ở những vùng nước nông, hoặc tần số cực thấp (ELF) để xâm nhập sâu vào lòng đại dương.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 trong một lần phóng thử nghiệm. Ảnh: Navy.81 |
Để liên lạc và chuyển tiếp thông tin cho tàu ngầm hoạt động sâu trong đại dương đòi hỏi những máy phát có công suất và ăng-ten cực lớn. Ví dụ, trạm chuyển tiếp thông tin Zevs của Nga nằm gần Murmansk, ở vòng tròn Bắc Cực sử dụng một dãy ăng ten có chiều dài tới 60 km để duy trì liên lạc với tàu ngầm trên toàn thế giới.
Thành phần quan trọng cuối cùng là kiểm soát hoạt động của SSBN, họ sẽ làm gì khi mất liên lạc với trung tâm chỉ huy trung ương. Đối với tàu ngầm SSBN của Anh, mỗi khi rời cảng sẽ được trao “bức thư cuối cùng” nằm trong két bí mật. Lá thư chỉ được mở sau khi tàu mất liên lạc với trung tâm chỉ huy hoặc đồng minh.
Đối với Mỹ, các tàu ngầm SSBN sẽ không thể phóng tên lửa hạt nhân trừ khi nhận được mã thích thợp từ tổng thống hoặc người thay thế. Với Trung Quốc cam kết nhất quán trong sách trắng quốc phòng rằng, nước này không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên.
Bắc Kinh không muốn chạy đua vũ trang hạt nhân với các nước khác. Họ duy trì vũ khí hạt nhân với chiến lược phòng vệ tích cực. Từ các chính sách có thể suy ra rằng, việc quyết định khai hỏa vũ khí hạt nhân sẽ thuộc thẩm quyền của Quân ủy trung ương.
Các SSBN nhiều khả năng sẽ không có thẩm quyền phóng vũ khí hạt nhân nếu mất liên lạc với trung tâm chỉ huy trung ương. Quá trình cải tổ cơ cấu chỉ huy gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình là một phần trong nỗ lực xây dựng lực lượng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy.