Những người thích trì hoãn sẽ gây ra nhiều phiền toái cho người khác, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc và làm việc cùng họ như vợ, chồng và đồng nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy những người thích trì hoãn cũng có thể khiến người có cùng đặc điểm tính cách cảm thấy khó chịu, đặc biệt là với người bạn đời của họ, khi mà người này mắc bệnh trì hoãn nặng hơn người kia.
Với dẫn chứng từ cuốn hồi ký của Dostoyevsky, một người bạn của tôi là Neil đã đi đến nhận định rằng: Một nguyên nhân làm cho những người trì hoãn đắm chìm trong những hành động tự gây hại chỉ để khẳng định rằng chúng ta không phải là những cỗ máy.
Đó là một ý kiến rất thú vị, nhưng tôi không thấy thuyết phục. Ít nhất, tôi không cho rằng đó là cách giải thích phù hợp cho những trường hợp phiền toái nhất do tính trì hoãn gây ra. Tôi có thể tự thuyết phục bản thân rằng tôi không phải một cái máy bằng cách làm những thứ khiến bản thân chịu đôi chút mệt mỏi, nhưng lạ không ảnh hưởng đến người khác.
Tôi có thể lên lớp trễ tới mức phải chạy thục mạng từ văn phòng đến giảng đường. Tôi sẽ thở hổn hển khi tới nơi và tự biết được rằng tôi không phải là một cỗ máy. Tuy nhiên, đó không phải là kiểu trì hoãn khiến cho vợ tôi hay các đồng nghiệp khác phải bực mình.
Theo tôi, kiểu trì hoãn khiến người khác phát điên là cái cách cố thể hiện ra rằng không ai được quyền kiểm soát bạn. Tôi đang ngồi làm nghiên cứu. Vợ tôi bất chợt bước vào và nhắc tôi kiểm tra đống hóa đơn visa mà cô ấy đã cẩn thận đánh dấu theo thứ tự những tờ còn nghi vấn.
Cô ấy rõ ràng là muốn tôi ngưng những gì tôi đang làm, bỏ máy tính sang một bên, nhận lấy tập hóa đơn (mà cô ấy đang lịch sự để trước mặt tôi) và làm những gì được yêu cầu ngay tức khắc, mặc dù kiểm tra hóa đơn thì làm hôm nay hay ngày mai cũng chẳng khác gì nhau.
Cũng có khả năng là lúc đó tôi chẳng làm gì quan trọng cả. Có thể tôi chỉ đang đọc email gửi từ Harbor Supply, trong đó bao gồm một mớ phiếu giảm giá mua máy tời, máy phát điện năng lượng mặt trời, cờ lê và mấy thứ tương tự.
Tôi chẳng dùng những thứ đó bao giờ, nhưng tôi lại muốn trở thành những người cần sử dụng chúng. Vợ tôi vẫn không thể nhận ra tôi đang phí thời gian (cho dù có thể cô ấy có chút ít nghi ngờ). Tất cả những gì cô ấy biết là tôi đang viết dở một đoạn văn nào đấy, mà nếu không bị cô ấy xen ngang, sẽ có thể thay đổi hoàn toàn lịch sử triết học. Vì lẽ đó mà tôi cảm thấy rất bực mình.
Thế là tôi mặc kệ mớ hóa đơn visa đó lâu hơn thường lệ. Mục đích không phải là để tự gây hại cho bản thân hay để chứng minh tôi không phải là cái máy. Trong chừng mực nào đó, tôi làm thế là để cho vợ tôi thấy rằng việc phá ngang những lúc chồng mình (có thể) đang trong luồng tư duy sáng tạo thì chẳng có ích gì.
Những gì tôi làm rất trẻ con và không thể được biện minh như là một ví dụ cho hiệu quả của tính trì hoãn có tổ chức. Tôi không trốn tránh việc kiểm tra hóa đơn visa như là một cách để làm những việc khác. Thực ra, vợ tôi đã cho tôi thêm một lý do quý giá. Giống như việc ngồi xem phiếu giảm giá của Harbour Supply để tôi không phải làm một việc quan trọng khác, như quyết định chọn giáo trình cho học kỳ sắp tới.
Thật là vô lý khi nghĩ rằng, nếu không kiểm tra hóa đơn visa ngay lập tức thì tôi có thể khiến cho vợ tôi không bao giờ phá ngang công việc của mình nữa. Việc này đã tiếp diễn gần năm mươi năm nay rồi.
Tôi muốn khuyên bạn rằng: Đừng nhầm lẫn giữa trì hoãn có tổ chức và việc cố chứng tỏ với bạn đời của mình rằng anh ấy hay cô ấy không thể ra lệnh được cho bạn. Nhất quyết không chịu làm chỉ là cách cho người bạn đời của bạn thấy được rằng họ đang đưa ra một yêu cầu vô lý. Mà vợ tôi, nói một cách chính xác, không vô lý bao giờ.