Theo The Intercept, vào thứ hai tuần này, Amnesty International, tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ nhân quyền khởi động chiến dịch thu gom chữ ký online nhằm vào dự án Dragonfly đầy tranh cãi.
Đây là động thái kêu gọi nhân viên Google toàn thế giới đứng lên tuần hành phản đối công cụ tìm kiếm kiểu Trung Quốc mà Sundar Pichai cố gắng che giấu. Cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào thứ ba với sự tham gia của nhân viên Google ở Mỹ, Anh, Australia, Canada, Đức, Hong Kong và Tây Ban Nha.
"Nếu dự án Dragonfly trở thành hiện thực, người dùng Internet sẽ dần mất lòng tin ở các nền tảng công nghệ. Sự việc còn tạo tiền lệ xấu để chính phủ các nước thâm nhập thông tin cá nhân người dùng", đại diện của Amnesty International phát biểu.
Sundar Pichai cho rằng dự án Dragonfly đang trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: Intercept. |
Theo Mashable, dự án Dragonfly được thiết kế dành riêng cho Trung Quốc với chính sách kiểm duyệt vô lý. Công cụ tìm kiếm sẽ tự động kiểm duyệt các từ khóa như "quyền con người", "giải Nobel", "phong trào sinh viên". Đồng thời, nền tảng còn theo dấu lịch sử tìm kiếm của người dùng đến số điện thoại cá nhân và cho phép chính phủ quyền truy cập thông tin đó. Từ đó, giới chức Trung Quốc có khả năng nhận diện và bắt giữ những nhà hoạt động, chính trị gia có tư tưởng phản đối.
"Là công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới, Google phải là đầu tàu bảo đảm sự tự do thông tin, ngôn luận cho người dùng", Joe Westby, nhà nghiên cứu công nghệ và nhân quyền tại Amnesty International nói.
Joe Westby cho rằng nhân viên tại Google sẵn sàng đấu tranh, ngăn chặn hành vi tiếp tay cho Trung Quốc kiểm soát thông tin. Động thái quyết liệt làm cho ban quản trị Google phải hổ thẹn khi chính một công ty rêu rao về sự đa dạng chủng tộc lại phải tự soi xét bản thân về nhân quyền.
Dự án Dragonfly gây xáo trộn nội bộ Google kể từ khi The Intercept nêu ra lần đầu vào tháng trước. Khoảng 1.000 nhân viên đã ký vào bức thư yêu cầu công ty cho biết thêm thông tin về dự án. Đáp lại, Google cho hay tất cả chỉ mới là “thử nghiệm" và "còn rất lâu nữa mới có thể ra mắt ứng dụng tìm kiếm ở Trung Quốc".
Đỉnh điểm sự việc, nhà nghiên cứu Jack Poulson của Google quyết định từ chức sau khi gửi bức thư tố cáo sự lơ là và mong muốn tiếp tay Trung Quốc của hãng này cho Thượng viện Mỹ hôm 24/9.
Dự án Dragonfly chia rẽ nội bộ công ty công nghệ lớn nhất thế giới một cách sâu sắc. Ảnh: Intercept. |
Poulson gọi dự án Dragonfly là "sự thất bại thảm hại" của quy trình xem xét quyền riêng tư được phát triển bởi Google sau những thoả thuận đạt được vào năm 2011 với Ủy ban Thương mại Liên bang. Ủy ban này cho rằng Google đã sử dụng "các chiêu thức lừa đảo và vi phạm cam kết riêng tư do chính họ lập ra đối với người tiêu dùng".
Cuối tháng 8, Amnesty và 13 tổ chức nhân quyền khác cùng gửi bức tâm thư đến Google với ý tưởng rằng "Google trực tiếp gây tổn hại đến quyền con người" nếu dự án được thông qua thành công. Tuy nhiên, theo một vài nguồn tin, Google đã hồi đáp các tổ chức với một thái độ "không mấy hài lòng" và không đề cập hướng giải quyết về vấn đề trên.
Trong khi đó, CEO Sundar Pichai của Google ra sức bào chữa cho Dragonfly bằng cách cho rằng mọi người không nên phán xét một công cụ chỉ đang trong giai đoạn phát triển.
"Hiện chúng tôi vẫn chưa có ý định cho ra mắt bất cứ ứng dụng tìm kiếm tại Trung Quốc", Sundar Pichai nhấn mạnh.
Vị CEO cho rằng động thái nghiên cứu từ khóa bị cấm tại Trung Quốc là nhiệm vụ cần thiết của Google.
"Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới. Việc nghiên cứu và học hỏi đất nước này có gì khác với phần còn lại của thế giới giúp dịch vụ của chúng ta càng hoàn thiện hơn", Sundar Pichai nói.
Chính quyền Trung Quốc sẽ có quyền thu nhập thông tin cá nhân người dùng trong Dragonfly. Ảnh: Intercept. |
Mặt khác, Joe Westby nhận xét Google nên dừng mọi lời phát biểu nước đôi và quyết định nhanh chóng. Nhà nghiên cứu tại Amnesty International phân tích sự hợp tác giữa Google và Trung Quốc sẽ mở ra nhiều tiền lệ cho chính phủ các quốc gia khác mong muốn kiểm soát thông tin cá nhân của người dùng.
"Là công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới, Google phải làm tấm gương cho các nền tảng khác noi theo. Vì thế, việc loại bỏ Dragonfly thực sự cần thiết và Sundar Pichai cần đưa ra lời giải thích phù hợp", Joe nói.