Theo The New York Times, hàng trăm nhân viên của Google tỏ ra vô cùng thất vọng khi biết công ty quyết định phát triển một công cụ tìm kiếm chịu sự kiểm duyệt tại Trung Quốc. Thậm chí, họ đã ký một bức thư yêu cầu sự minh bạch trong công việc và đạo đức nghề nghiệp.
Trong bức thư, các nhân viên đã viết rằng dự án và sự tuân thủ của Google theo các yêu cầu kiểm duyệt từ Trung Quốc đang làm "dấy lên các vấn đề về đạo đức". Họ cho biết thêm "hiện chúng tôi không có đủ thông tin cần thiết để hiểu về công việc, dự án và những điều chúng tôi đang làm".
Bức thư trên đang được lưu hành nội bộ trên hệ thống của Google và nhận được hơn 1.400 chữ ký từ các nhân viên.
Bức thư kêu gọi nhân viên của Google yêu cầu sự minh bạch. Ảnh: nytimes. |
Đây không phải là lần đầu nhân viên của Google đứng lên phản đối các dự án của công ty. Trước đó vào tháng 4, nhân viên đã lên tiếng khi Google tham gia vào một chương trình sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển vũ khí cho Lầu Năm Góc. Và đến tháng 6, công ty đã đưa ra thông báo chính thức họ sẽ ngừng hợp tác với Lầu Năm Góc về vấn đề này.
Các báo cáo gần đây cho thấy, Google đang cố gắng trở lại thị trường Trung Quốc bằng cách tạo ra một công cụ kiểm duyệt. Dự án này được phát triển bí mật với cái tên Dragonfly và nó khiến các nhân viên của Google lo ngại rằng họ có đang làm việc để giúp Trung Quốc thu thập thông tin từ công dân của mình hay không.
"Chúng tôi yêu cầu sự minh bạch và rõ ràng hơn, nhân viên của Google cần biết những gì mình đang làm", bức thư cho biết.
Bức thư cũng kêu gọi Google cho phép nhân viên tham gia vào các đánh giá đạo đức về sản phẩm của công ty, bổ nhiệm thêm các đại diện từ bên ngoài để đảm bảo tính minh bạch và công bố đánh giá đạo đức về các dự án gây tranh cãi.
Google từ chối đưa ra những bình luận về bức thư cũng như các thông tin về dự án Dragonfly.
Google từng rời khỏi Trung Quốc vì không chấp nhận sự kiểm duyệt của chính phủ. Ảnh: Reuters. |
Trong quá khứ, Google đã từng cho thấy sự quan tâm tới nhân viên về tính minh bạc trong các dự án tương lai cũng như các hoạt động nội bộ hơn các công ty công nghệ khác, thậm chí họ còn khuyến khích nhân viên đặt câu hỏi và tranh luận tại các cuộc họp nội bộ.
Thêm vào đó, sự phản đối về dự án Dragonfly càng nổ ra mạnh mẽ khi gần đây, Google đã công bố một loạt các nguyên tắc đạo đức khi sử dụng AI và ngừng hợp tác với Lầu Năm Góc.
Theo đó, Google cam kết chỉ sử dụng AI để mang lại lợi ích cho xã hội, không gây hại cho con người và tuân thủ theo luật nhân quyền. Một số nhân viên đã nêu lên những lo ngại rằng việc phát triển một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt tại Trung Quốc sẽ vi phạm các nguyên tắc này.
Trở lại năm 2010, Google cho biết họ phát hiện ra rằng tin tặc Trung Quốc đã tấn công cơ sở hạ tầng của công ty nhằm truy cập vào tài khoản Gmail của các nhà hoạt động nhân quyền. Cuộc tấn công kết hợp với sự kiểm duyệt của chính phủ đã khiến Google buộc phải rời khỏi đất nước này.
Khi đó, Sergey Brin, người đồng sáng lập của công ty, cho biết họ phản đối chính sách kiểm duyệt của đất nước này về chính trị và truyền thông trên Internet.
Tuy nhiên, với dự án Dragonfly, Google đang cho thấy công ty đã trở nên thực dụng hơn khi chỉ quan tâm tới lượng người dùng Internet khổng lồ tại Trung Quốc mà bỏ qua các vấn đề kiểm duyệt.
Trong những năm gần đây, Google luôn tỏ ra tích cực duy trì sự hiện diện ở Trung Quốc dù các dịch vụ hàng đầu của công ty đều không thể truy cập ở quốc gia này. Năm ngoái, Google đã công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc. Hiện nay, công ty đã có hơn 700 nhân viên tại đây.
Để có cơ hội trở lại Trung Quốc, Google bắt buộc phải chấp nhận sự kiểm duyệt. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, tất cả những việc làm trên của Google cũng không thể đảm bảo hoàn toàn công cụ tìm kiếm của công ty có thể trở lại Trung Quốc. Điều này phụ thuộc nhiều vào chính phủ quốc gia này.
Google có thể đang phải đối mặt với nhiều áp lực lớn khi ra mắt sản phẩm mới tại Trung Quốc, ông Mok nói. Tuy nhiên, để có thể trở lại quốc gia này, việc phát triển một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt là điều không thể tránh khỏi.
“Sau đó, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ nói 'Google được thông qua'” Mok nói.