Năm 2020, văn phòng công tố bang Arizona đã kiện Google vì thu thập dữ liệu của người dùng. Business Insider đã tiếp cận được một tài liệu gốc của phiên tòa, cho thấy Google vẫn tiếp tục thu thập dữ liệu vị trí ngay cả khi người dùng smartphone Android tắt tùy chọn này đi trong phần cài đặt. Ngoài ra, hãng còn tìm cách giấu các tùy chọn quyền riêng tư để người dùng khó tìm hơn.
Google thậm chí gây áp lực buộc LG và nhiều nhà sản xuất điện thoại khác phải ẩn các tùy chọn quyền riêng tư khi người dùng ngày càng quan tâm hơn đến quyền chia sẻ dữ liệu.
Google biết quá rõ bạn ở đâu
Jack Menzel, cựu phó chủ tịch phụ trách Google Maps thừa nhận trong phiên tòa rằng người dùng gần như không có cách nào giấu địa chỉ nhà, văn phòng của mình trước công ty này. Cách duy nhất để ngăn chặn Google tìm ra địa chỉ nhà riêng và nơi làm việc là đến một vị trí ngẫu nhiên và thiết lập vị trí đó trong Google Maps.
Ngay cả các giám đốc điều hành của Google và nhân viên phụ trách dữ liệu vị trí cũng không biết cách các cài đặt quyền riêng tư hoạt động. Ảnh: AP. |
Jen Chai, giám đốc sản phẩm cấp cao của Google, chuyên phụ trách dịch vụ định vị, thậm chí cũng không biết các cài đặt quyền riêng tư của công ty này có mối quan hệ như thế nào.
Các tài liệu này là một phần vụ kiện chống lại Google của văn phòng công tố bang Arizona (Mỹ) từ năm 2020. Trong đơn kiện, bang Arizona cáo buộc công ty này thu thập dữ liệu vị trí từ điện thoại thông minh một cách bất hợp pháp dù người dùng không cho phép.
Các tài liệu từ vụ kiện đã được công bố trước đó, nhưng có nhiều phần thông tin bị xóa mờ. Một thẩm phán đã ra lệnh cho phép mở phần tài liệu đã bị làm mờ vào tuần trước, theo yêu cầu của nhóm thương mại Nội dung số và Liên minh Truyền thông. Họ cho rằng công chúng cần biết về hoạt động thu thập dữ liệu của Google, và cách công ty này sử dụng sức ép pháp lý để ngăn chặn những sự chỉ trích hướng vào mình.
Các tài liệu bị rò rỉ thậm chí còn mô tả chi tiết hơn về cách Google che giấu các kỹ thuật thu thập dữ liệu của mình khỏi người dùng và cả nhân viên công ty.
Người dùng gần như không có cách nào sử dụng dữ liệu vị trí trên điện thoại Android mà không chia sẻ với Google. Ảnh minh họa: LP. |
Google sử dụng nhiều cách khác nhau để thu thập vị trí của người dùng, bao gồm kết nối điện thoại với WiFi hoặc buộc người dùng chia sẻ dữ liệu để sử dụng các ứng dụng của bên thứ ba không liên kết với Google.
"Không có cách nào để cung cấp vị trí của bạn cho ứng dụng của bên thứ ba mà qua mặt được Google”, tài liệu phiên tòa trích lời của một nhân viên Google.
Cách Google làm khó người dùng
Theo các tài liệu, trong các phiên bản Android thử nghiệm mà Google để phần cài đặt quyền riêng tư ra ngoài, dễ tìm hơn, người dùng thường chọn tắt hoặc hạn chế chia sẻ. Để giải quyết vấn đề này, Google đã tìm cách chôn sâu các quyền riêng tư đó trong menu cài đặt.
Google cũng cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất điện thoại thông minh ẩn phần cài đặt vị trí "thông qua việc lan truyền thông tin sai lệch hoặc che giấu, bỏ qua sự thật". Công ty này nói với đối tác của mình là người dùng chỉ hạn chế dữ liệu vì nhà sản xuất đưa ra cho họ chọn.
Các nhân viên của Google đều nhận ra sự phản đối của người dùng đối với hoạt động thu thập dữ liệu. Với mô hình của Google, việc thu thập ít dữ liệu đi có khả năng làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc lấy dữ liệu người dùng công khai cũng để lại tiếng xấu cho Google.
"Đúng ra nên có tùy chọn cho tôi sử dụng vị trí trên điện thoại mà không chia sẻ thông tin đó cho Google", một nhân viên của Google bình luận.
"Đây có thể là cách giúp Apple đánh bại chúng ta”, một nhân viên khác bày tỏ mối lo ngại, bởi Táo khuyết luôn nhấn mạnh đến quyền riêng tư cho người dùng.
Nhiều nhân viên Google cũng cho rằng công ty này đang làm quá khi thu thập dữ liệu, khiến người dùng bỏ qua sử dụng iPhone. Ảnh: Reuters. |
Năm 2020, hành vi thu thập dữ liệu trên các ứng dụng Google từng bị tiết lộ. Đó là khi Google tuân thủ quy định mới của Apple có tên Privacy Label (nhãn quyền riêng tư) trên iOS 14, buộc tất cả ứng dụng phát hành trên App Store liệt kê các loại dữ liệu thu thập như lịch sử duyệt web hay vị trí, dữ liệu tài chính, danh bạ... phục vụ cho mục đích quảng cáo được cá nhân hóa.
Sau khi quy định mới được đưa ra, Google đã mất 3 tháng để cập nhật ứng dụng tuân thủ quy định của Apple. Dựa trên danh sách dữ liệu thu thập bởi Chrome, dễ dàng thấy Chrome thu thập và liên kết tất cả dữ liệu với thiết bị và thông tin cá nhân. Trong khi đó, Safari thu thập nhưng không liên kết lịch sử duyệt web, dữ liệu và vị trí của người dùng.
Năm 2020, ông lớn công nghệ này và công ty mẹ Alphabet bị một nhóm người dùng kiện 5 tỷ USD tại California. Nguyên đơn cáo buộc Google thu thập dữ liệu người dùng một cách không minh bạch thông qua công cụ phân tích Google Analytics, quảng cáo và một số ứng dụng khác.