Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mùi vị của TP.HCM

Sách "Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn" của tác giả Lê Vân là một bức tranh sống động về những con hẻm đặc trưng ở TP.HCM.

Ngo hem Sai Gon anh 1

Sách Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn. Ảnh: Q.M.

Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn gồm 26 bài viết, với 4 chủ đề chính như: Hẻm Sài Gòn - Những đời người; Trăm năm "kẻ chợ" Sài Thành; Chuyện đời những chung cư Sài Gòn xưa cũ; Tiệm bánh xưa cũ. Ở đó, có câu chuyện về những nơi chốn đời thường, câu chuyện về đời người. Dẫu có trải qua bao nhiêu thăng trầm thì nơi đây vẫn chào đón chúng ta như một người bạn hiền, một miền đất hứa.

Với sự cảm nhận tinh tế, sâu sắc và hơn hết là tình yêu đối với vùng đất và con người nơi này, Lê Vân dẫn dắt chúng ta khám phá những ngóc ngách ẩn giấu nhiều “bí mật” và trải qua nhiều thăng trầm của thành phố.

Từ những chung cư lâu năm - nơi có những ngôi chùa như chùa Liên Trì (quận 3), chùa Từ Đức (quận 5) tọa lạc trên tầng cao, hay chung cư Nguyễn Huệ (quận 1) vẫn giữ nét hoài cổ dưới ánh đèn biển hiệu của hàng quán hiện đại, tác giả đưa chúng ta đến những con hẻm “Thiền” với rất nhiều chùa, tịnh xá, tịnh thất ở quận Gò Vấp. Rồi sau đó, tác giả lại đưa chúng ta đến những quán xá giữa đô thị hoa lệ - nơi “đang gắng giữ những nét văn hóa, của những con người, thích đắm mình trong một tách trà nhuốm màu thời gian”.

Không dừng lại ở đó, tác giả còn kể những câu chuyện đầy ắp lịch sử, dư âm của xưa cũ, hòa quện với các câu chuyện diễn ra giữa những con hẻm yên bình - náo nhiệt, những con hẻm cổ xưa – mới mẻ, những con hẻm nghèo khó - giàu sang của thành phố.

Tác giả cũng kể về cuộc sống mưu sinh qua nhiều thế hệ con người ở những con hẻm, chợ, chung cư, tiệm xưa quán cũ nhuốm màu thời gian tại Sài Gòn. Có lẽ, với Lê Vân hẻm, chợ, cà phê vỉa hè chính là nơi gắn bó với phận đời của bao con người sống ở Sài Gòn, nhất là dân nghèo…

Dù là dân sống lâu đời hay người mới đến, đều được chị vẽ lên bằng những nét ký họa đơn giản nhưng rất chân thật, đầy trải nghiệm về những điều giản dị nhưng thấm đẫm tình cảm. TP.HCM, với tác giả, là nơi bao dung nhất cho những người con tứ xứ về đây.

Ngo hem Sai Gon anh 2

Tác giả Lê Vân. Ảnh: Q.M.

Đặc biệt, tác giả còn tinh tế khéo léo gửi vào trong cuốn sách “cả một thứ mùi vị” đã in dấu ấn trong tiềm thức của biết bao nhiêu người TP.HCM . Đó là mùi thơm của ly cà phê pha bằng vợt của quán Ba Lù trăm năm tuổi ở hẻm chợ Phùng Hưng. Cà phê ở đây phải uống nóng mới đúng vị, cảm được cả vị thơm của hương cà phê và hương bơ Pháp trăm năm, hương rượu đế nhè nhẹ”.

Đó là gà hấp muối, thú linh chiên giòn, khấu nhục, khổ qua cà ớt… ở Tiệm cơm Truyền Ký bán gần 80 năm nay ở trong hẻm Lý Thường Kiệt (ông chủ đầu tiên là Diệp Hữu Truyền, người nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn).

Đó là canh bún An Lạc, kẹo lạc Quế hương ở Chợ ông Tạ, bánh canh giò heo bà Bảy ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Đó là món “cơm tấm bì chan nước mắm” ở đường Trần Quý Cáp “đã từng là nỗi nhớ, niềm thèm khát của con tì, con vị Sài Gòn”, mà bây giờ được giới trẻ Sài Gòn gọi là cơm tấm Võ Văn Tần, hay cơm tấm sinh đôi. Đó là Bánh mì Hòa Mã - xuất xứ ở Hà Nội, di cư vào những năm 1950, với ốp la, chả, thịt nguội… chỉ bán vào buổi sáng, khách đều phải xếp hàng, chờ lượt.

Đó là mùi trà tuyệt hảo của tiệm trà Ô Tồng Ký (chợ Bến Thành) giờ đã lùi xa khi hậu duệ đời cuối cùng của tiệm trà vừa mất; mùi thơm của giống trà Bát Tiên để làm ra loại trà danh tiếng Mật Lan Hương, Dịch Mỵ Hương của tiệm trà Di Phát…

Với Lê Vân, có lẽ mùi vị của Sài Gòn chính là thứ làm cho bao nhiêu người vương vấn không quên. Những mùi vị của Sài Gòn là thứ có thể nắm bắt bằng vị giác, khứu giác... Nhưng có khi, phải sống đủ lâu, phải đi đủ nhiều thì mới nhận ra một vài mùi vị đặc biệt chỉ có thể chạm đến bằng yêu thương và trải nghiệm, của một con người thật sự thích khám phá vùng đất này.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

TP.HCM không thiếu chuyện để kể

“Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” là một bước đi tiếp theo trên con đường đem Sài Gòn - TP.HCM đến gần hơn với độc giả của nhà văn Tống Phước Bảo.

Những biểu tượng văn hóa một thời của TP.HCM

Chọn những biểu tượng của di sản, văn hóa, nhà văn Phạm Công Luận và họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm tái hiện TP.HCM xưa trong sách tranh “Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ".

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm