Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ăn chơi thì ra Tạ Hiện

Tôi đã dạo chơi “phố Tây” Bùi Viện ở TP.HCM. Nó ồn ào và náo nhiệt quá. Tôi ưa thích phố Tạ Hiện của Hà Nội hơn, dù đó cũng là con phố mang “chất Tây”.

Tạ Hiện có vẻ “sành điệu” của đô thị lớn những vẫn có những nét cổ kính của một Hà Nội cổ điển.

Điều đầu tiên, Tạ Hiện có lẽ là một trong những phố hẹp nhất. Những dãy nhà gần như giáp nhau, đi bộ trong phố một buổi sáng giống như đi trong con ngõ nhà cửa san sát.

Đoạn phố ngắn này lại toát lên vẻ cổ điển của một châu Âu xa vời. Phố được lát đá, những ngôi nhà kiểu thuộc địa hai tầng kiến trúc giống nhau làm thành một dãy.

Bên lẻ mang phong cách kiểu thuộc địa, bên chẵn hơi hướm Á Đông. Đi trong phố vào buổi sáng vắng người sẽ thấy Tạ Hiện mang hơi hướm châu Âu rất đậm trong lòng Hà Nội. Không khí vừa xưa cũ mà vẫn tân kỳ ở những điểm đặc biệt.

Phố Tạ Hiện đã được chỉnh trang bảo tồn và giờ đây là một trong những chốn “ăn chơi” bụi bặm bậc nhất của Hà thành. Con phố là điểm đến ưa thích của người Hà Nội, khách du lịch nước ngoài. Đặc biệt, khi ánh đèn buổi tối hắt xuống, phố bỗng nhộn nhịp, tưng bừng khác thường.

Tạ Hiện đông đúc nhưng không quá ồn ã, cuồng nhiệt như Bùi Viện. Là không gian nhỏ hẹp, phố có phần chật chội, những biệt thự cổ không cho phép nhiều hàng quán bày ra giữa lòng đường.

Các hàng quán ở đây đa phần là hàng ăn uống và khoái thú nhất là món bia. Tôi từng nói một lần, bia là thứ đồ uống mang tính bảo thủ nhất.

Ha Noi Dau Xua Pho Cu anh 1

Phố Tạ Hiện về đêm. Ảnh: Việt Linh.

Ở Hà Nội, uống bia Hà Nội, trong một không gian đặc chất Hà Nội thì còn gì bằng. Thế nên, đồ uống được gọi nhiều nhất ở Tạ Hiện là bia. Bia uống luôn cả chai, một phong cách được các “chàng Tây” rất ưa chuộng.

Các món ăn đường phố, đa phần giản dị và bình dân. Không chỉ có món bia mát lạnh nhâm nhi cùng lạc rang húng lìu, nem chua, phố còn có những món ăn nhiều màu sắc đa dạng và cuốn hút.

Phố ngắn nhưng như được chia ra thành những đoạn khác biệt. Đoạn hẹp nhất là nơi thú vị và ồn ào nhất. Không gian chật ứ người.

Đến nửa đêm, phố vẫn còn đông đúc, nhất là vào những dịp cuối tuần. Không gian đô thị dù sao cũng là “chốn ăn chơi”. Tạ Hiện lại ở giữa trung tâm phố cổ, kiến trúc đẹp, không gian u hoài cổ điển thì thử hỏi sao không lựa chọn.

Buổi tối tấp nập là thế nhưng buổi sáng Tạ Hiện rất yên bình. Phố ít xe qua vì đường hẹp. Những biệt thự màu vàng phơi một vẻ trầm tĩnh, lặng lẽ nghỉ ngơi sau một đêm “thả cửa”. Ngắm Tạ Hiện vào sáng sớm hoặc những lúc ít người cũng đem lại sự thích thú không nhỏ.

Ngoài cái danh là chốn ăn chơi buổi đêm nhộn nhịp bậc nhất, Tạ Hiện là con phố mang trong nó những trầm tích đằm sâu của Hà Nội xưa cũ.

Đó là rạp Quảng Lạc nằm gần giữa trung tâm của phố. Đây là nhà hát lừng danh của một thời. Nhiều gánh hát tuồng, kịch nổi danh nhất nhì Hà Nội từng diễn ở đây. Đó là những ban Quảng Lạc, Nhật Tân, Quốc Hoa, Liên Hiệp… với vở diễn nổi danh như: Ai giết người, Cô Minh Nguyệt

Ngôi nhà hát xưa vẫn còn và trên trán nhà, dòng chữ 1.900 vẫn còn rõ nét như nhắc nhở một lịch sử xưa cũ không dễ phai lạt.

Tạ Hiện còn có những con ngõ đặc trưng. Đó là ngõ Sầm Công mà tên mới giờ gọi là ngõ Đào Duy Từ. Tại sao gọi là ngõ Sầm Công?

Sầm Công chính là Sầm Nghi Đống, một bại tướng ở trận đánh lẫy lừng khi vua Quang Trung phá quân Thanh ở gò Đống Đa.

Con ngõ nhỏ này xưa có nhiều Hoa kiều sinh sống và bằng một hành động rất nhân văn nhuốm tinh thần Phật giáo, vua Quang Trung đã cho phép Hoa kiều ở đây lập một đền nhỏ thờ Sầm Nghi Đống. Nhờ thế mà Hồ Xuân Hương đã có bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống đầy tính nữ quyền:

Nghé mắt trông ngang thấy bảng treo

Kìa đền thái thú đứng cheo leo

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.

Còn Tạ Hiện, người được đặt tên cho con phố này là ai? Tạ Hiện (1841-1887) là viên tướng của triều Nguyễn. Ông từng phối hợp Lưu Vĩnh Phúc phá giặc “Khăn vàng” và được vua Tự Đức phong chức Đề đốc. Nhưng sau đó, triều đình Huế chủ trương hòa hoãn với quân Pháp và yêu cầu ông bãi binh.

Bất bình vì việc trên, Tạ Hiện trả ấn từ quan để phản đối và tiếp tục lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp. Đây là hành động dũng cảm và khảng khái của Tạ Hiện vì chống lệnh vua là tội lớn nhưng ông vẫn quyết theo chí của mình.

Nghĩa quân của ông đã gây cho quân Pháp những khốn đốn, nhất là các trận đánh ở vùng Thái Bình quê hương ông. Nghĩa quân có cách đánh rất độc đáo, thường đào những hố lớn ngụy trang và khi thấy giặc đến thì xông ra bắt, nên quân Pháp gọi nghĩa quân là “giặc vồ”.

Tạ Hiện trả ấn từ quan thời Tự Đức nhưng sau được vua Hàm Nghi trọng dụng. Ông được thăng chức Đô Thống và trở thành một trong những thủ lĩnh của phòng trào Cần Vương, lập được nhiều chiến công.

Sau Tạ Hiện bị quân Pháp bắt và xử tử ở vùng Phả Lại, Hải Dương. Là người cương nghị và dũng cảm, ông có bài thơ Cái nợ tang bồng thể hiện chí khí của mình:

Cái nợ tang bồng tí tẻo teo,

Nay đòi mai hỏi tiếng ong eo.

Nay ta quyết kéo trời Nam tại

Kéo để giang sơn đổ lộn phèo.

Phố 'sang' nhất thủ đô

Hà Nội không có phố “Hàng Vàng”, sang nhất là Hàng Bạc, rồi đến Hàng Đồng, Hàng Thiếc.

Nhan cach 'oc muon hon' la gi? hinh anh

Nhân cách 'ốc mượn hồn' là gì?

0

Sự trao đổi giữa người với người không thể nào cứ thông thuận mãi được, sẽ có mâu thuẫn, xung đột, không vui, muốn giải quyết những vấn đề này vẫn nên quay về giải quyết từ bản thân chuyện trao đổi.

Uông Triều

NXB Văn học và Sống phát hành

SÁCH HAY