Các cố vấn cấp cao của Tổng thống Biden hối thúc chính quyền Mỹ công bố khởi động chương trình tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 diện rộng vào tháng 10.
Họ lo ngại rằng Mỹ sẽ thiếu hụt vaccine cần cho toàn dân, trong trường hợp độ hiệu quả của vaccine Covid-19 đột nhiên giảm đi, theo Politico.
Cân bằng lượng vaccine của Mỹ
Nhiều lãnh đạo trên thế giới yêu cầu Mỹ giúp đỡ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vaccine Covid-19.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cho biết chính quyền ông Biden muốn có đủ liều cho 40% dân số chưa tiêm mũi đầu tiên và cho những người cần tiêm nhắc lại, dù cho nước này đã trữ được một lượng lớn vaccine.
Trong các cuộc họp diễn ra vào tháng 7 và tháng 8, ông Anthony Fauci, cố vấn y tế chính quyền Biden, và nhiều viên chức cấp cao Nhà Trắng cho rằng Mỹ cần phải bảo vệ chính mình trước. Theo họ, dữ liệu từ Israel cho thấy độ hiệu quả của vaccine Pfizer-BioNTech đang giảm dần.
Bác sĩ Anthony Fauci cho biết Mỹ cần phải bảo vệ chính mình trong mọi trường hợp. Ảnh: AFP. |
Các viên chức cấp cao lo ngại rằng Mỹ sẽ rơi vào tình cảnh giống như Israel nếu không chuẩn bị trước.
"Không ai muốn chịu trách nhiệm cho việc thiếu hụt vaccine khi cần cả", một nguồn tin ẩn danh nói với Politico.
Chính quyền Biden chần chừ trong việc quyên tặng vaccine hồi đầu năm nay, dù Mỹ đã trữ được một lượng lớn vaccine. Nhiều người chỉ trích Mỹ, cho rằng nước này tích trữ vaccine trong khi cả thế giới bị thiếu hụt.
Trong tuần này, Nhà Trắng cũng chủ trì một cuộc gặp thượng đỉnh toàn cầu về vaccine diễn ra tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tại cuộc gặp này, giới chức Mỹ thúc đẩy kêu gọi lãnh đạo quốc tế đóng góp nhiều tài nguyên hơn vào tiến độ tiêm chủng toàn cầu.
Trong khi đó, chính quyền ông Biden cũng gặp trở ngại trong kế hoạch tiêm nhắc lại toàn quốc. Vào ngày 17/9, hội đồng cố vấn về vaccine của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã khuyến cáo không sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech để tiêm nhắc lại cho người từ 16 tuổi trở lên.
Theo cơ quan này, Mỹ vẫn chưa có đủ chứng cứ để chứng minh độ hiệu quả của kế hoạch trên. Thay vào đó, FDA khuyến nghị tiêm nhắc lại cho người từ 65 tuổi trở lên và người có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Tập trung vào nỗ lực tiêm chủng toàn cầu
Giới chức cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và các chuyên gia y tế cho rằng chính quyền Biden nên tập trung vào việc quyên tặng vaccine cho các nước khác, để ngăn chặn các biến chủng mới xuất hiện.
Trên sóng truyền hình vào ngày 19/9, các viên chức cấp cao, bao gồm bác sĩ Fauci, đã rút lại những nhận định trước đó về việc Mỹ cần triển khai tiêm nhắc lại diện rộng. Họ cho rằng chính quyền Biden sẽ làm theo chỉ dẫn của FDA và quyên tặng vaccine Covid-19 cho các nước đang thiếu hụt.
"Cách để chấm dứt đại dịch Covid-19 là tiêm vaccine cho người dân Mỹ và trên toàn thế giới. Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã lên kế hoạch cho cả hai nhóm đối tượng", một viên chức Nhà Trắng nói với Politico. "Chúng tôi có đủ vaccine để tiêm cho toàn bộ người dân Mỹ, bao gồm cả tiêm nhắc lại nếu cần thiết. Chúng tôi sẽ giữ lượng vaccine này trong nước để Mỹ có thể ứng phó với mọi trường hợp".
Hiện tại, Mỹ có đến khoảng 150 triệu liều vaccine có thể được dùng để tiêm nhắc lại ngay lập tức. Bên cạnh đó, nước này đã mua thêm 200 triệu vaccine Pfizer-BioNTech. Lượng vaccine trên dự kiến được chuyển vào tháng 10.
Mỹ hiện có 150 triệu liều vaccine Covid-19 có thể được sử dụng ngay lập tức để tiêm nhắc lại cho người dân. Ảnh: AP. |
Theo Nhà Trắng, chính quyền ông Biden đã quyên tặng 600 triệu liều vaccine đến các nước khác. Trong tuần này, chính quyền công bố sẽ mua thêm hàng triệu liều từ Pfizer cho các nước cần vaccine, cũng như thúc đẩy công tác hỗ trợ tiến độ tiêm vaccine toàn cầu tại cuộc gặp thượng đỉnh về Covid-19 của Liên Hợp Quốc.
Nhiều viên chức cấp cao của chính quyền lo ngại rằng nếu Mỹ bắt đầu dành riêng một lượng vaccine để tiêm nhắc lại, các nước phát triển phương Tây sẽ làm theo và khiến hệ thống sản xuất vaccine toàn cầu bị quá tải.
Một nguồn tin nói với Politico rằng chưa đến một nửa lượng vaccine Mỹ hứa quyên tặng trong năm nay được chuyển đến các nước khác.
"Tôi nghĩ sự chênh lệch về khả năng tiếp cận vaccine giữa các nước đang phát triển và những nơi khác sẽ rất rõ rệt", theo bà Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Bellevue và cựu cố vấn Covid-19 trong đội ngũ chuyển giao của ông Biden. "Những quốc gia có thu nhập cao và trung bình sẽ được tiêm mũi thứ ba. Trong khi đó, các nước có thu nhập thấp không nhận được gì".