Trong khi phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn giữ nguyên đề xuất mức tăng 16% thì đại diện chủ sử dụng lao động đề xuất tăng 9-10%, có thể lên 11%. Cả 2 bên đều đưa ra những căn cứ có cơ sở. Vì thế, Hội đồng Tiền lương sẽ đưa ra quyết định trong phiên họp cuối cùng diễn ra ngày 3/9.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, khoảng cách giữa 2 bên vẫn còn khá lớn nên cuộc họp phải kéo dài sang phiên thứ 3.
Phía Tổng liên đoàn vẫn sẽ giữ nguyên mức tăng lương tối thiểu là 16%. Theo khảo sát của cơ quan này, hiện 92% lương tối thiểu của công nhân chỉ đủ dùng. 8% còn lại là chi phí tiền nhà, tiền điện, tiền nước… mà vẫn không đủ. Khi có con, công nhân phải gửi ông bà, bố ở nhà thì mẹ tăng ca và ngược lại. Với những chi phí trên, công nhân không đủ sống với mức lương hiện tại.
“Đề nghị Hội đồng tiền lương đến các khu công nhân sống để thực nghiệm đích thực cuộc sống của người dân”, ông Chính nói.
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cũng chỉ ra nỗi khổ của người lao động. Ông cho biết, câu chuyện công nhân ở Bắc Thăng Long (Nội Bài) thậm chí phải sửa lại chuồng lợn để làm nhà ở tạm là câu chuyện rơi nước mắt. Ông Thọ dẫn lời Các Mác từng nói đúng thực trạng của người lao động Việt Nam hiện giờ: “Công nhân Việt Nam vào trong doanh nghiệp hai bàn tay trắng, ra khỏi doanh nghiệp cũng hai bàn tay trắng, thế là họ trần như nhộng”.
“Cách đào thải lao động đang bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, tính toán cho cả sức khỏe của doanh nghiệp nhưng tình cảnh của lao động Việt Nam là như vậy”, ông Thọ nói.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh, sẽ bảo vệ quan điểm lương chỉ tăng 10%. “Chúng tôi đã phân tích thấu đáo để đi tới quan điểm chung nhưng thực sự là khó khăn. Mỗi bên đưa ra quan điểm đều có luận cứ khoa học của mình. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là phải đặt lợi ích người lao động, lợi ích chủ doanh nghiệp dưới lợi ích quốc gia”, đại diện VCCI nhấn mạnh.
Theo ông, đất nước phải có một đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh, đảm bảo phát triển bền vững và đó mới đảm bảo việc tăng lương tối thiểu. Với mức tăng năng suất lao động 3%, trượt giá đồng tiền 1-3% hiện nay, tăng 10% như đề xuất của VCCI là phù hợp.
Cũng theo đại diện VCCI, theo lộ trình, việc tính lương theo tổng thu nhập từ năm 2018 là một gánh nặng đối với doanh nghiệp. "Thực tế nếu chúng ta tăng lương lên 10%, doanh nghiệp đã phải chi trả tới mức 17-18% rồi. Bởi từ 1/1/12016, doanh nghiệp phải từng bước đóng BHXH theo tổng thu nhập chứ không đơn thuần theo mức lương", lãnh đạo VCCI cho biết.
Điều này, theo ông Phòng, có nghĩa doanh nghiệp phải tăng mức đóng BHXH thêm 30-45% so với mức năm 2015. Tất cả các chi phí bảo hiểm, công đoàn, thai sản, công tác… doanh nghiệp thay mặt người lao động để đóng. Doanh nghiệp đang phải gồng mình lên để trụ vững.
Thời điểm hiện nay tới 2018 rất nhạy cảm, vì Việt Nam sắp tham gia nhiều hiệp định, chính sách mới. "Chúng ta phải có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu và nguồn chi. Cần sự cảm thông tới người lao động, sự tăng lương là chính đáng, nhưng năng lực chi trả còn hạn chế. Do đó, chúng tôi rất cần sự cảm thông từ phía người lao động", ông Phòng nói.
Mức lương tối thiểu hiện hành được quy định điều chỉnh (theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP) như sau:
Vùng 1 là 3.100.000 đồng một tháng.
Vùng 2 là 2.750.000 đồng một tháng.
Vùng 3 là 2.400.000 đồngmột tháng.
Vùng 4 là 2.150.000 đồng một tháng.
So với năm 2014, mức này tăng từ 250.000 đến 400.000 đồng mỗi tháng. Đây là kết quả của mức điều chỉnh lương gần đây nhất vào cuối năm 2014, và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Tổng liên đoàn Lao động vẫn muốn tăng lương 16%
Trước khi cuộc họp về tăng lương tối thiểu đi đến quyết định cuối cùng, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ, vẫn muốn giữ nguyên đề xuất tăng lương 16%.
Gay gắt về tăng lương, bên nào sẽ nhượng bộ?
Nếu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng tiền lương tối thiểu vùng là 16% thì phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp lại cho rằng, mức tăng chỉ 6-7% mới là hợp lý.
Lương phải đủ mức sống tối thiểu
2
Ngày 25/8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên cuối cùng để chốt mức tăng cho lương tối thiểu vùng năm 2016.