Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng liên đoàn Lao động vẫn muốn tăng lương 16%

Trước khi cuộc họp về tăng lương tối thiểu đi đến quyết định cuối cùng, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ, vẫn muốn giữ nguyên đề xuất tăng lương 16%.

Sáng nay, phiên họp kín để đưa ra quyết định cuối cùng về mức tăng lương tối thiểu năm 2016 diễn ra tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) cho biết, vẫn mong muốn giữ mức lương tối thiểu như đề xuất là tăng 16%, tương đương 350.000-550.000 đồng. 

Theo ông Chính, đề xuất của Tổng liên đoàn đã tính kỹ lưỡng từ lý luận đến tuân thủ pháp luật. Yếu tố đơn vị này đưa ra là phải thực hiện theo đúng Điều 91 của Bộ luật Lao động. Điều này phải được áp dụng ngay từ khi Luật có hiệu lực, từ ngày 1/1/2013. Tuy nhiên, nếu áp dụng ngay doanh nghiệp sẽ khó khăn, nên Tổng liên đoàn đồng ý cần theo lộ trình. Song, lộ trình đó phải có thời điểm nhất định. Trước đây, Bộ Lao động đã thống nhất với Tổng liên đoàn lộ trình sẽ kết thúc vào năm 2017.

“Hiện nay mức lương tối thiểu đạt khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu. Như vậy, 2 năm còn lại chúng ta phải đảm bảo 25- 26%, mỗi năm phải tăng 12-13%, cộng thêm CPI khoảng 5%. Như vậy tăng năm nay khoảng 17%”, ông Chính phân tích.

Cũng theo ông Chính, cuộc sống người lao động hết sức khó khăn. Theo khảo sát của Tổng liên đoàn, khoảng 92% người lao động, với mức lương doanh nghiệp trả 4,5- 5 triệu đồng, họ sống rất tằn tiện, chỉ 8% có dư. 

Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tiền lương nên điều chỉnh từng bước để đến đầu năm 2018, tiền lương sẽ gần như thu nhập. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

“Chúng tôi đã tính toán khả năng chi trả của doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp tại Hà Nội, TP HCM trả người lao động mức lương khoảng 4,4-4,9 triệu đồng. Cũng có rất nhiều doanh nghiệp trả 5 triệu đồng hoặc hơn. Như vậy khả năng doanh nghiệp chấp nhận trả được rồi", ông Chính nói.

Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động cũng chỉ ra, khi lương tối thiểu tăng, doanh nghiệp chỉ lấy mức này đóng BHXH cho người lao động. Khi tăng lương tối thiểu, tức là tăng 22% tiền đóng BHXH, BHYT cho người lao động thì tiền tăng đó không nhiều và còn thấp hơn. Nếu không thực tăng lương tối thiểu thì đến 1/1/12018, theo Đều 89 Luật BHXH, tiền lương cũng phải bằng tiền thu nhập: tiền lương, phụ cấp và các khoản khác.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải điều chỉnh từng bước để tiếp cận đến 1/1/2018 việc thực hiện tiền lương gần như thu nhập thì doanh nghiệp đỡ ‘sốc’. Giờ chúng ta cứ điều chỉnh nhỏ giọt thì đến năm 2018, khoảng cách sẽ rất lớn, tạo sức ép cho doanh nghiệp”, ông Chính nói.

Trước mắt, Tổng liên đoàn vẫn bảo lưu giữ mức 350.000-550.000 đồng. Phương án cuối cùng cũng không được thấp hơn tỷ lệ phần trăm của năm 2015, tức là 14,65%, ở mức trên 450.000 đồng. Mức tuyệt đối bằng 400.000 đồng. “Đấy là tôi nghĩ thế nhưng quan điểm của Tổng liên đoàn vẫn giữ nguyên, bởi người lao động đã quá khổ”, ông Chính nhấn mạnh. 

Đề xuất giữ phương án tăng lương 350.000-550.000 đồng

Lương tối thiểu được đề xuất sẽ tăng 350.000-550.000 đồng trong năm 2016. Theo khẳng định của lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động, mức tăng này không ảnh hưởng đến doanh nghiệp.


Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm