Trưa 26/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 10h, tâm bão số 4 (Noru) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 14. Bão có dấu hiệu yếu đi nhưng không đáng kể.
Hôm nay và ngày mai, hình thái này được dự báo mạnh trở lại và đạt cường độ mạnh nhất cấp 13, giật cấp 16. Đến sáng 28/9, khi tâm bão nằm trên đất liền khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, sức gió vẫn duy trì cấp 11-12, giật cấp 14.
Noru được nhận định là một trong 4 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua và mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây ảnh hưởng đến đất liền Trung Trung Bộ.
Bão Noru có thể phá hủy tàu thuyền, thổi bay nhà ngói
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), dùng từ "khủng khiếp" khi nói về sức tàn phá của cơn bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.
"Những tàu thuyền dù được neo đậu vẫn có thể bị phá hủy, nhà ngói có thể bị thổi bay", ông Hưởng nói và lưu ý người dân cần khẩn trương áp dụng các biện pháp ứng phó trước cơn bão này.
Theo chuyên gia, từ gần sáng 28/9, khu vực ven biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận bắt đầu có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10.
Ở ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15. Sâu hơn trong đất liền, gió mạnh đến cấp 8-9; giật cấp 12-13.
Theo thang đo cấp độ sức gió Beaufort, bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15 trên đất liền có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng về nhà cửa, công trình. Cường độ gió này có sức phá hủy lớn. Sóng biển rất mạnh, có thể đánh chìm tàu có trọng tải lớn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 4 có thể gây ra đợt mưa lớn 150-300 mm, có nơi trên 350 mm với thời gian mưa được phân bổ theo từng khu vực.
Trong đó, từ Quảng Trị đến Bình Định và bắc Tây Nguyên, mưa tập trung trong chiều 27-28/9. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình mưa vào đêm 27-29/9. Trong khi đó, hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An mưa muộn hơn vào ngày 28-30/9.
Ở kịch bản khác, chuyên gia cho rằng miền Trung có thể hứng lượng mưa lên tới 400 mm do hoàn lưu bão. Nếu điều này xảy ra, 60 huyện, thị xã, thành phố ở Trung Trung Bộ và khu vực bắc Tây Nguyên đối diện với nguy cơ ngập lụt diện rộng.
Cơ quan khí tượng đồng thời cảnh báo nguy cơ nước dâng do bão ở khu vực ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với độ cao lên tới 0,8-1,2 m. Kịch bản cực đoan, nước có thể dâng 1,4-1,8 m.
Khu vực ven biển, cửa sông các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi cần đề phòng ngập úng tại vùng trũng, thấp.
3 cơn bão tương tự
Để hình dung rõ hơn mức độ tàn phá của bão Noru, chuyên gia so sánh cơn bão này tương tự bão Xangsane đổ bộ vào tháng 9/2006, bão Ketsana vào tháng 10/2009 và gần nhất là bão Molave hồi tháng 10/2020.
Với bão Xangsane, hình thái này đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam vào tháng 9/2006 với sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 14. Hoàn lưu bão gây ra đợt mưa lớn diện rộng với lượng 200-300 mm cho khu vực Nghệ An - Quảng Ngãi.
Về thiệt hại, bão Xangsane khiến 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương. Mưa lớn, ngập lụt và gió giật cũng khiến hơn 350.000 ngôi nhà bị hư hỏng, phá hủy trên 1.000 tàu thuyền. Đây là một trong những cơn bão gây thiệt hại nặng nề trong lịch sử mưa lũ miền Trung.
Đến tháng 10/2009, miền Trung hứng thêm một cơn bão mạnh tên Ketsana. Thời điểm đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi, hình thái này duy trì sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 14.
Bão gây ra đợt mưa lớn lên tới 400-600 mm cho khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, khiến 28 người chết và mất tích, 629 người bị thương cùng 280.000 ngôi nhà hư hỏng.
Với kịch bản đường đi và mức độ ảnh hưởng tương tự hai cơn bão trên, người dân có thể hình dung mức độ tàn phá của Noru sắp tới nếu bão giữ sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 để vào bờ.
Trước diễn biến bão Noru có thể tăng cấp và đi vào khu vực đất liền từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 14, chuyên gia khuyến cáo người dân nên khẩn trương chằng chống và gia cố nhà cửa, cố gắng hoàn tất trong ngày 26/9.
Thời điểm bão bắt đầu gây gió mạnh từ sáng 27/9, người dân tuyệt đối không ở trên các lồng bè mà cần đến ngay khu vực an toàn.
Với dự báo tình hình mưa, lũ lớn, ngập lụt và chia cắt có thể kéo dài nhiều ngày, người dân cần chủ động tích trữ nước ngọt, lương thực, nhu yếu phẩm. Đồng thời, chính quyền cần rà soát để sớm di dời người dân đến nơi an toàn trước nguy cơ gió bão có thể gây tốc mái nhà cấp 4.
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.