Khách hàng hoang mang cực độ, nhiều chủ đầu tư làm ăn chân chính bị vạ lây từ dư chấn của vụ thế chấp dự án Harmona và vụ sai phạm chồng lên sai phạm ở dự án Bảy Hiền Tower xảy ra mới đây tại TP HCM. Vấn đề này đang gióng lên một hồi chuông báo động cho chủ đầu tư lẫn khách hàng cẩn trọng trong những quyết định của mình.
Khách hàng đang đi trên dây
Nếu như trước đây bi kịch thường xảy ra ở những dự án treo, chậm tiến độ thì nay người dân đã nhận nhà vẫn vướng phải rủi ro về pháp lý và tín dụng.
Gần đây nhất, nhiều chủ nhân của căn hộ Ruby Land ở quận Tân Phú, TP HCM tá hỏa khi bỗng dưng phát hiện ra căn hộ của mình dù đã thanh toán 90% cũng bị chủ đầu tư mang đi thế chấp ở ngân hàng.
Một câu hỏi được đặt ra là, hiện ở TP HCM có bao nhiêu dự án đang bị chủ đầu tư “chơi” chiêu đó?
Thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở TNMT TP HCM công bố cuối năm ngoái, TP HCM hiện có 6 dự án chung cư đã bàn giao căn hộ cho khách hàng nhưng chưa làm thủ tục cấp giấy chủ quyền căn hộ do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án đang thế chấp tại ngân hàng. Tổng cộng các dự án trên có hơn 2.100 căn hộ.
Vụ việc Harmona đang là hồi chuông báo động cho thị trường căn hộ Ảnh: Việt Dũng |
Đến nay thật không dễ để có một con số chính xác nhưng số dự án bị các chủ đầu tư “cầm cả chì lẫn chài” là không hề nhỏ. Vượt xa những con số mà Sở TNMT cung cấp trước đó.
Trước khi sự kiện cầm cố ở chung cư ở Harmona và Bảy Hiền Tower thì sự thật tại hàng loạt dự án đã được phơi bày. Cụ thể, Chung cư cao cấp Minh Thành dù đưa vào sử dụng từ năm 2008 đến nay, toàn bộ 120 chủ sở hữu căn hộ vẫn chưa được nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất khác.
Ông Nguyễn Viết Xuân, Trưởng Ban Quản trị chung cư Minh Thành – cho biết, người dân nhiều lần đề nghị chủ đầu tư giải quyết nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Do các cơ quan chức năng chậm trễ”.
Trong khi đó, tình trạng ách tắc cấp giấy chứng nhận tại hai dự án chung cư The Ruby Land và Ruby Garden do công ty Tân Hoàng Thắng làm chủ đầu tư cũng kéo dài nhiều năm qua. Điều này khiến người dân bức xúc, gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Hai dự án đưa vào hoạt động được hơn 5 năm, nhưng chưa có hộ nào được cấp giấy chứng nhận.
Theo người dân, sở dĩ chủ đầu tư không làm được giấy chứng nhận cho hộ dân là do công ty nợ thuế, không nộp giấy đỏ chính cho cơ quan chức năng để tiến hành cấp giấy chứng nhận cho khách hàng. Không những thế, cả hai dự án này đều được chủ đầu tư đem thế chấp tại ngân hàng.
Cá biệt với trường hợp chung cư Ruby Garden, chủ đầu tư đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 5.000m2 và tài sản hình thành trong tương lai của chung cư Ruby Garden 12 tầng từ năm 2008 để vay tiền, hiện chưa giải chấp.
Không những vậy, bản thân dự án này hiện đang có nhiều yêu cầu ngăn chặn việc làm sổ do chủ đầu tư này có quá nhiều khoản thiếu nợ, thậm chí là cả nợ BHXH.
Những trường hợp trên chưa phản ánh hết thực trạng này, việc có bao nhiêu chủ đầu tư đang sử dụng chiêu này vẫn là ẩn số.
Hiện tại người mua nhà vẫn phải “sống trong sợ hãi” cho đến khi những quyết định siết chặt tình trạng này của TP và ngân hàng được thực thi.
Siết chặt hợp đồng vay
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo TP.HCM và Hiệp hội BĐS TP HCM diễn ra hôm 6/6/2016, bức xúc trước kiểu làm ăn “con sâu làm rầu nồi canh” này, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp. đã kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM và các ban ngành liên quan cần rà soát và thanh tra các dự án bất động sản từ năm 2007 đến 2010 để trả lại sự minh bạch cho thị trường.
“Câu chuyện dự án Harmona và những dự án tương tự xảy ra trong thời gian qua cho thấy, đó là hệ quả của một thời gian dài nhà nhà làm bất động sản, người người làm bất động sản. Điều đáng nói, tính chuyên nghiệp và năng lực của nhà đầu tư chưa cao, thậm chí có nhiều trường hợp cả hai yếu tố đó hầu như không có”, ông Trung nhận định.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Quang Minh, hiện nay trên thị trường bất động sản có nhiều công ty kinh doanh theo kiểu bán hàng đa cấp. Sở dĩ nói như vậy là vì có không ít công ty đưa ra mức cam kết lợi nhuận theo từng năm khiến cho người mua hám lợi nên nhảy vào.
“Hợp đồng cho vay hiện nay không được kiểm soát chặt chẽ nên mới phát sinh những chuyện “động trời” như vậy. Còn nếu các cơ quan quản lý cứ kiểm soát gắt gao như hợp đồng bán và hợp đồng góp vốn thì sẽ “siết” lại được thôi”, ông Dương nói.
Mới đây, UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng có liên quan phối hợp với chủ đầu tư thực hiện đăng ký thay đổi nội dung thế chấp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Ngoài ra cũng yêu cầu theo dõi tình trạng của tài sản thế chấp tại các dự án đầu tư, xây dựng nhà ở để kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp nhằm đảm bảo giá trị của tài sản thế chấp, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các tổ chức tín dụng.
NHNN cho biết vừa qua cơ quan này đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng rà soát việc cho vay các dự án bất động sản để tránh trường hợp tương tự như The Harmona. Đó là động thái tích cực của cấp quản lý không để người mua căn hộ chịu cảnh vạ lây khi chủ đầu tư chơi chiêu.
Tuy nhiên hệ quả của một thời gian dài nhà nhà làm bất động sản, người người làm bất động sản đã để lại nhiều di chứng. Trong khi đó, người có nhu cầu ở lại cao, nhưng những hiểu biết về pháp lý khi ký kết mua nhà hay căn hộ dường như nắm chưa rõ nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.