Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Harmona bị siết nợ và lỗ hổng quản lý tín dụng

Trong khi cư dân chưa thể tin tưởng vào phương hướng giải quyết của chủ đầu tư thì những uẩn khúc trong quan hệ tín dụng của chủ đầu tư dự án Harmona đang dần lộ ra.

Hướng giải quyết của chủ đầu tư là nhanh chóng tất toán các khoản nợ cho ngân hàng trước ngày 15/6 để tiến hành làm sổ hồng cho dân. Tuy nhiên, những mối liên hệ tín dụng phức tạp giữa các đối tác đầu tư đang tạo cho cư dân tại đây nhiều nghi hoặc.

Tại Hội nghị chung cư bất thường chiều 29/5, hầu hết cư dân đều không tin tưởng vào khả năng thanh toán nợ của chủ đầu tư, bởi mới đây thôi họ đã bị chủ đầu tư bán đứng cho ngân hàng.

Lấy dân làm con tin

Sau khi xuất hiện thông báo phát mãi tài sản của ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn gửi đến 600 hộ dân đang sinh sống tại chung cư Harmona do Tamexim làm chủ đầu tư, thì những khúc mắc tín dụng còn phức tạp hơn khoản nợ mà đối tác Công ty CP Thanh Niên đang vay tại ngân hàng BIDV.

chu dau tu Harmona anh 1
Cư dân chung cư Harmona không còn giữ được sự tin tưởng với chủ đầu tư Ảnh: V.Dũng

Theo thông tin từ phía Tamexim thì vào tháng 12/2013, công ty đã sử dụng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất dự án Harmona để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ vay của Công ty cổ phần Thanh Niên theo hợp đồng tín dụng số 01/2013/HĐ số đăng ký tại ngân hàng số 01/1360389 với BIDV – Bắc Sài Gòn), bao gồm tổng số tiền vay tối đa 327 tỷ đồng. Mục đích vay là để thực hiện dự án The Harmona, tọa lạc 33 Trương Công Định, Phường 14, Quận Tân Bình.

Và theo giải trình mới đây nhất của CTCP Thanh Niên với NHNN thì hiện nay, dư nợ của công ty này tại Ngân hàng BIDV- Bắc Sài Gòn là 244 tỷ đồng. Theo biên bản làm việc giữa CTCP Thanh Niên và Ngân hàng BIDV – Bắc Sài Gòn ngày 29/4/2016 về việc công ty tất toán khoản vay cho BIDV- Bắc Sài Gòn vào ngày 20/5/2016.  Tuy nhiên, vì lý do khách quan cho đến thời điểm đã định, công ty vẫn chưa thu xếp được nguồn tài chính để tất toán cho Ngân hàng BIDV- Bắc Sài Gòn. Với lý do đó, công ty này đã có văn bản gửi cho BIDV CN Bắc Sài Gòn vào ngày 21/5/2016 về việc gia hạn thời hạn trả nợ đến 15/6/2016.

Sau khi vụ cầm cố dự án The Harmona vỡ lở, nhiều hộ dân bên trong dự án tố công ty Thanh Niên Corp đã đem 41 căn hộ của dân thế chấp cho ngân hàng để bảo đảm cho một cá nhân khác vay nợ. Điều này dẫn đến việc BIDV Bắc Sài Gòn ra thông báo siết nợ nhiều lần.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện của chủ đầu tư là Tamexim cũng đã thừa nhận tại buổi họp bất thường vào chiều ngày 29/5. Chủ đầu tư cho biết, có 36 căn hộ thuộc hợp đồng vay bị quá hạn và 5 căn còn lại thì chưa bị tới hạn.

Khoản vay này đã được tái cơ cấu một lần, hiện nay vẫn chưa trả được nợ và quá hạn thanh toán cả gốc lẫn lãi.

Điều đáng chú ý là, theo phản ánh của nhiều cư dân, có những căn hộ được công ty CP Thanh Niên bán trước thời điểm đáo hạn ngân hàng chỉ vài ngày.

Anh T. chủ căn hộ C3.4  cho biết, anh ký ký hợp đồng mua căn hộ này với Công ty Thanh Niên vào ngày 22/6/2012 do đích thân ông Nguyễn Văn Liêm, Tổng giám đốc Công ty Thanh Niên ký. Nhưng nếu căn cứ nội dung theo thông báo số 244 của BIDV - Bắc Sài Gòn thì căn hộ này đang được dùng làm tài sản thế chấp cho việc cơ cấu lại nợ cho khoản vay của một cá nhân là Đào Việt Cường vào ngày 29/6/2012.

“Tôi không ngờ căn hộ của mình bị nợ chồng nợ như thế. Chủ đầu tư đem căn hộ thế chấp hai lần, còn đem đi bán mà không hề thông báo với người mua nhà về tình trạng căn hộ”- anh T bức xúc cho biết.

Trong khi có những dấu hiệu bất thường như vậy, nhưng cư dân truy vấn chủ đầu tư về mối quan hệ với Công ty CP Thanh Niên và cá nhân mang tên Đào Việt Cường nói trên thì chủ đầu tư vẫn không có câu trả lời.

Hiện tại vẫn chưa thể biết được cá nhân trên là ai mà lại có thể mang tài sản đi thế chấp và thậm chí là được đảo nợ khi căn hộ đã bán cho khách hàng. Câu hỏi về số tiền vay dùng vào mục đích gì và chủ đầu tư liệu có nắm được sự việc đều bị từ chối trả lời.

Vấn đề duy nhất được chủ đầu tư đề cập chính là cam kết sẽ cùng phối hợp với công ty Thanh Niên trả hết nợ vào ngày 15/6 tới đây để giải chấp các tài sản.

Zing.vn cũng đã liên hệ với ngân hàng BIDV - Bắc Sài Gòn trong những ngày qua nhưng vẫn không có được câu trả lời. Ngay cả chủ đầu tư là công ty Tamexim cũng cho biết không thể liên lạc được với đại diên có liên quan của ngân hàng để trao đổi về những khúc mắc.

Dân chờ trong lo sợ

Ông Vũ Tuấn Khanh, Phó tổng giám đốc Công ty Tamexim cho biết, công ty và ngân hàng đã làm việc với nhau và thống nhất ngày 15/6 công ty sẽ trả nợ để lấy sổ đỏ dự án về làm sổ hồng cho bà con. Toàn bộ hồ sơ làm sổ hồng đã làm xong, chỉ cần lấy sổ đỏ ra thì Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ “chẻ” nhỏ ra từng sổ hồng căn hộ.

“Chúng tôi tính đến ngày 31/5 mới hoàn tất làm việc với ngân hàng và chuẩn bị tiền trả nợ, nhưng không hiểu sao trong quá trình làm việc thì Ngân hàng BIDV - Bắc Sài Gòn lại ra thông báo như vậy làm hoang mang cho cư dân và ảnh hưởng đến chủ đầu tư. Chúng tôi cam kết sẽ trả nợ và làm sổ hồng cho người dân đúng như cam kết với ngân hàng”, ông Khanh cho biết.

Dù cam kết đã được đưa ra nhưng cư dân tại đây vẫn hoài nghi về tính khả thi của những lời hứa tất toán vào 15/6 tới. Nếu tình huống bất trắc xảy ra thì 41 căn hộ thế chấp kia coi như vẫn mắc kẹt.

Một cam kết nữa là sẽ tiến hành làm sổ hồng cho người dân vào ngày 30/6 sẽ khó thực hiện. Bởi lẽ, ngay cả tất toán nợ đúng hẹn vào ngày 15/6 thì việc hoàn tất các thủ tục làm sổ hồng trong 15 ngày là điều không thể.

Một cư dân bức xúc: “Việc chủ đầu tư âm thầm mang căn hộ của dân đi cầm cố mà không thông báo cho cư dân, thậm chí còn bán cả căn hộ hai lần thì có lẽ niềm tin đã không còn. Những cam kết này chỉ để xoa dịu cư dân thôi, còn tất cả chỉ là lới hứa và dân vẫn sống trong lo sợ".

Tuy nhiên ở khía cạnh khác, trách nhiệm của ngân hàng trong sự việc này vẫn cần phải xem lại. Ngân hàng đồng ý cho vay tiền và tài sản đảm bảo là một dự án chung cư nhưng dường như cách giám sát các hoạt động của chủ đầu tư, dòng tiền vay quá “dễ dãi”.

Chủ đầu tư đứng ra đảm bảo để một đối tác vay tiền phát triển dự án để kinh doanh vậy thì suốt quá trình giao dịch, mua bán các căn hộ (là các tài sản bảo đảm trả nợ thay) ngân hàng có giám sát hay không?

Thậm chí là khi tiến hành cơ cấu nợ vẫn không biết tài sản đảm bảo đã được bán cách đây mấy ngày?


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm